Bộ TN&MT ghi nhận ý kiến của các bộ, ngành về dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi)
Lan Chi|29/09/2022 06:47
(TN&MT) - Chính phủ vừa thông qua hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). Trước đó, thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) để trình Chính phủ vào tháng 8/2022, Bộ TN&MT đã tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan, trong đó, đã tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với hồ sơ.
Tiếp thu ý kiến Bộ Tư pháp, nội dung Tờ trình Chính phủ của Bộ TN&MT đã làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản (sửa đổi) so với Luật Khoáng sản hiện hành, đó là “quy định việc điều tra cơ bản địa chất và điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; thăm dò, khai thác khoáng sản; quản lý Nhà nước về khoáng sản”. Đồng thời đã xác định rõ: Các chính sách có tính chất kế thừa quy định của Luật Khoáng sản năm 2010; Các chính sách có nội dung sửa đổi, bổ sung dẫn đến việc mở rộng phạm vi điều, kể cả các chính sách đã được quy định trong Luật Khoáng sản hiện hành nhưng có sự phát triển thêm hoặc có sửa đổi, bổ sung; Đã lượng hóa số điều hoàn toàn mới và sửa đổi, bổ sung một số điều để khẳng định đây là dự án Luật sửa đổi (thay thế).
Bộ TN&MT bổ sung điều quy định về “Đối tượng áp dụng” gồm: Cơ quan quản lý Nhà nước về địa chất, khoáng sản; tổ chức, cá nhân trong nước; Tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản, hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản…
Về tên gọi của Dự án Luật, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, trong Tờ trình Chính phủ, Bộ TN&MT đã giải trình rõ các lý do, cơ sở của việc xác định lại phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Khoáng sản (sửa đổi), các lý do dẫn đến phải thay đổi tên gọi thành “Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản”.
Cụ thể, Bộ đã đề xuất bổ sung đầy đủ quy định liên quan đến công tác điều tra cơ bản địa chất, gồm: Điều tra cơ bản tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất; Điều tra địa chất tai biến, địa chất môi trường; Địa chất công trình, địa chất đô thị; Điều kiện địa chất khác nhằm phản ánh đúng bản chất của công tác này theo đúng tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW.
Bộ đề xuất bổ sung các quy định trách nhiệm hoàn trả kinh phí Nhà nước đã đầu tư đối với các tổ chức, cá nhân khi sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất phục vụ xây dựng các công trình thuộc các ngành kinh tế.
Ngoài ra, Bộ đề xuất bổ sung các quy định nhằm thống nhất quản lý thông tin, dữ liệu khi khảo sát địa chất xây dựng công trình thuộc các lĩnh vực khác như: Giao thông, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp... (phải nộp vào lưu trữ địa chất kết quả khảo sát địa chất thuộc Bộ TN&MT), đồng thời quy định đầy đủ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu này.
Bộ đề xuất bổ sung các quy định về khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhất là cát, sỏi lòng sông; Các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản… nhằm khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế sau 10 năm thực hiện. Theo đó, đề cương Luật (sửa đổi) có 136 điều, gồm: Bãi bỏ 3 điều; bổ sung 58 điều mới hoàn toàn về nội dung (có 13 điều về địa chất); sửa đổi, bổ sung 43 điều (có 15 điều về địa chất) và giữ nguyên nội dung của 35 điều.
Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp về một số chính sách cụ thể, Bộ TN&MT đã rà soát toàn bộ nội dung Báo cáo đánh giá tác động các chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi), nội dung tóm tắt 5 chính sách được nêu trong Tờ trình Chính phủ.
Bên cạnh ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý của các bộ: Bộ Nội Vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương. Trên cơ sở đó, Bộ đã tiếp thu, giải trình để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) trình Chính phủ.
Hướng tới hoàn thiện chính sách quản lý trong hoạt động thăm dò khai thác khoáng sản
Việc xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) là cần thiết bởi Luật Khoáng sản năm 2010 đến nay đã không còn phù hợp. Một số luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Các quy định chưa phù hợp của Luật Khoáng sản 2010 cần được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thống nhất, đồng bộ giữa các luật liên quan. Luật Khoáng sản mới cần hoàn thiện chính sách quản lý trong hoạt động thăm dò khai thác khoáng sản, đồng thời quy định chi tiết, cụ thể hóa hơn ở một số chương, mục.
Cụ thể, tại Chính sách “Hoàn thiện chính sách trong quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản”, Lào Cai nhất trí với đề xuất xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Khoáng sản hiện hành theo hướng hoàn thiện chính sách tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... đảm bảo quyền lợi cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể đây là khoản thu được để lại 100% cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để chi cho mục đích quản lý, bảo vệ khoáng sản; đầu tư cơ sở hạ tầng, khắc phục hậu quả… theo đúng quy định của Luật Khoáng sản sửa đổi.
Tại Chương I, đề nghị bổ sung quy định về báo cáo hoạt động khoáng sản và báo cáo về tình hình hoạt động khoáng sản; Chương II, đề nghị điều chỉnh thứ tự các Điều về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên địa chất, tài nguyên khoáng sản chưa khai thác từ các bộ, cơ quan ngang bộ đến UBND các cấp và cuối cùng là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân. Chương III, đề nghị bổ sung Điều quy định về việc lập, thẩm định, trình và phê duyệt quy hoạch địa chất, khoáng sản cho cụ thể. Chương V, Mục 1, đề nghị thống nhất chỉ có quy định về khu vực cấm hoạt động khoáng sản. Chương VII, VIII, IX, X về thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản, đóng của mỏ khoáng sản hay bảo vệ bờ sông, bến bãi… cần quy định rõ về giám sát thăm dò, quy định về khai thác trong khu vực thi công công trình hay sồ sơ về cấp phép đóng cửa mỏ với các mỏ có quy mô nhỏ phân tán…
Nhà phát minh, kỹ sư điện, kỹ sư cơ khí, và tương lai học
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, Sở TN&MT đã tham mưu cho Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 71-KH/TU về tăng cường đấu giá các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản… Tập trung đổi mới, quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch các nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Sở TN&MT Thanh Hóa đã tham mưu và trình UBND tỉnh đưa vào đấu giá 24 mỏ theo kế hoạch năm 2022. UBND tỉnh đã phê duyệt 20 mỏ và Sở đã xây dựng phương án đấu giá trình UBND tỉnh và tỉnh đã giao Sở Tư pháp thẩm định.
Tuy nhiên, các mỏ đấu giá đưa ra chưa qua thăm dò, mà đấu giá theo phần trăm nộp ngân sách Nhà nước (tính hệ số R). Với phương án này, doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro rất lớn, chẳng hạn, khi đấu giá xong, nhưng mỏ không đủ khối lượng và chất lượng để khai thác, doanh nghiệp không được trả lại tiền đặt cọc và tiền cấp quyền trúng đấu giá. Ngoài ra, theo quy định của Luật Đất đai 2013, doanh nghiệp phải thỏa thuận với chủ sử dụng đất về giá cả đền bù, nhưng nếu doanh nghiệp không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất, doanh nghiệp cũng không được trả lại tiền đặt cọc và tiền cấp quyền trúng đấu giá…
Sở TN&MT TP. Cần Thơ thống nhất với đề xuất sửa đổi Luật Khoáng sản thành Luật Địa chất và Khoáng sản của Bộ TN&MT để đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ các quy định, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý về địa chất, khoáng sản trên cả nước nói chung và trên địa bàn TP. Cần Thơ nói riêng.
Tại TP. Cần Thơ, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Khoáng sản năm 2010, công tác quy hoạch, thăm dò, cấp phép, khai thác, bảo vệ khoáng sản từng bước đi vào nền nếp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật còn gặp khó khăn liên quan đến quy định về thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường; trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản...
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn thành phố, Sở TN&MT TP. Cần Thơ tiếp tục siết chặt công tác cấp phép, khai thác khoáng sản; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương cấp phường, xã nơi có mỏ khoáng sản...
Sở TN&MT TP. Cần Thơ kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc thu phí tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản; sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; quy định cụ thể việc quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cho toàn tuyến sông lớn chảy qua nhiều tỉnh…
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.