Bộ TN&MT đề nghị CHLB Đức hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng

Tống Minh| 06/03/2023 17:58

(TN&MT) - Giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng để giảm phát thải, thực hiện mục tiêu đã cam kết tại COP26, giải quyết các vấn đề về môi trường như rác thải nhựa, ô nhiễm không khí – Đây là những nội dung được Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành trao đổi với Đoàn Uỷ ban Ngân sách Quốc hội Đức do Nghị sỹ, tiến sỹ Schafer dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Bộ TN&MT, ngày 6/3.

img_8545-2-.jpg
Thứ trưởng Lê Công Thành tiếp Nghị sỹ, tiến sỹ Schafer

Chào đón Đoàn Uỷ ban Ngân sách Quốc hội Đức, Thứ trưởng khẳng định, CHLB Đức là đối tác truyền thống lâu năm và là một trong những đối tác phối hợp với Bộ TN&MT thực hiện nhiều dự án nhất trong lĩnh vực môi trường. Thứ trưởng cũng đánh giá cao các hoạt động hợp tác và hỗ trợ CHLB Đức dành cho các cơ quan của Bộ TN&MT, đặc biệt trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và môi trường.

Được biết, thời gian qua, CHLB Đức và Bộ TN&MT đã mở rộng mối quan hệ hợp tác thông qua việc triển khai các dự án cụ thể ở các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ. Cụ thể, trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris” (VN-SIPA) đã hỗ trợ rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam để gửi cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Dự án cũng đã hỗ trợ rà soát, cập nhật Chương Ứng phó với biến đối khí hậu trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020, tạo hành lang pháp lý quan trọng để thực thi công tác quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong năm 2020, Bộ TN&MT xây dựng Báo cáo Đánh giá tác động chính sách (PIA) về quy định quản lý cảnh quan thiên nhiên trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực quản lý rác thải nhựa đại dương, hiện nay Bộ TN&MT đang triển khai Dự án Giảm thiểu Rác thải Nhựa đại dương tại Việt Nam do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức tài trợ thông qua WWF.

Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT đang phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên liên bang (BGR) phối hợp triển khai Dự án “Quản lý bền vững tài nguyên nước dưới đất, gắn với điều kiện địa chất - địa chất thủy văn tại Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực ven biển Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu”.

img_8544-2-.jpg
Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc

Với những kết quả hợp tác này, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rộng mở, khi Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đặc biệt, Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế - bao gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức, Mỹ, Italia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã thông qua Thỏa thuận đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) vào cuối năm ngoái. Với JETP, Việt Nam là một trong ba nước trên thế giới tiên phong thực hiện. Do vậy, CHLB Đức có thể hỗ trợ để xây dựng mô hình chuyển đổi năng lượng, với các cơ chế có thể áp dụng cho toàn cầu sau này.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng bày tỏ việc học hỏi kinh nghiệm trong quản lý tài nguyên nước ở các nước Châu Âu, trong đó có Đức. Hiện trạng cho thấy, biến đổi khí hậu và việc sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mekong đã ảnh hưởng lớn tới đồng bằng sông Cửu Long. Làm thế nào để cùng chia sẻ hợp lý nguồn tài nguyên nước trên cùng một lưu vực, đảm bảo cho sinh kế bền vững của người dân là bài toán đặt ra cho Việt Nam và các quốc gia khác.

img_8560.jpg
Các đại biểu Bộ TN&MT và Đoàn Uỷ ban Ngân sách Quốc hội Đức

Ông Schafer cho biết, trong chuyến công tác tại Việt Nam lần này, Đoàn sẽ tới thăm đồng bằng sông Cửu Long và sẽ có các khuyến nghị cụ thể về tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu. Ông Schafer cũng thông tin, phía Đức cũng quan tâm tới việc hợp tác với Bộ TN&MT trong vấn đề giảm rác thải nhựa đại dương, giảm ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh. “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT nói riêng. Với các vấn đề này, chỉ có đi cùng nhau, chúng ta mới thành công” – ông Schafer nói.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn, sau chuyến thăm và làm việc của Đoàn Uỷ ban Ngân sách Quốc hội Đức, các lĩnh vực và hoạt động hợp tác giữa hai bên ngày càng được mở rộng, thúc đẩy hơn nữa, đặc biệt là trong triển khai các kết quả của COP26 và các lĩnh vực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, quản lý rác thải nhựa đại dương, kinh tế tuần hoàn; và triển khai các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI) của Cộng hòa Liên bang Đức./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT đề nghị CHLB Đức hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO