Bộ TN&MT chia sẻ về cơ chế chính sách với doanh nghiệp Hoa Kỳ

Tống Minh| 14/10/2021 06:29

(TN&MT) - Chiều ngày 13/10, đại diện Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã có buổi làm việc trực tuyến với Đoàn doanh nghiệp cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.

Thứ trưởng Lê Công Thành và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tại buổi làm việc với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN. 

Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ niềm vui mừng được chào đón ông Michael Michalak – nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhiệm kỳ 2007 – 2011, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành Khu vực, Hội đồng Hoa Kỳ - ASEAN và 37 doanh nghiệp tham dự cuộc họp.

Theo Thứ trưởng, sự quan tâm của các doanh nghiệp cho thấy cam kết về việc đầu tư, kinh doanh dài hạn tại Việt Nam. Thứ trưởng mong muốn, các Tập đoàn, công ty của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN sẽ sớm phục hồi sau đại dịch, đóng góp nhiều hơn nữa vào quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành, ủng hộ Bộ TN&MT trong thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Về phía Việt Nam, Bộ TN&MT sẵn sàng chia sẻ, làm rõ những nội dung mà các doanh nghiệp quan tâm.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Lê Công Thành, ông Michael Michalak chia sẻ với những khó khăn mà Việt Nam gặp phải trong đại dịch Covid-19 lần thứ 4. Chung tay cùng Việt Nam phục hồi nền kinh tế, các doanh nghiệp Hoa Kỳ định hướng sẽ đầu tư thêm các dự án đầu tư xanh khi chuyển sang giai đoạn hậu Covid-19 và mong sẽ nhận được sự hỗ trợ của Việt Nam, đặc biệt là về cơ chế, chính sách.

Ông Michael Michalak (bên phải) trao đổi với Bộ TN&MT

Những kiến nghị thiết thực

Các doanh nghiệp hiện đang quan tâm đến Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ được thực thi từ đầu năm 2022 và dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, đặc biệt là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).

Đại diện CropLife và các công ty thành viên hoàn toàn ủng hộ các chính sách về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với hoạt động tái chế và xử lý rác thải để giảm thiểu các tác động tiêu cực từ rác thải lên môi trường, cải thiện tính bền vững và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Chính hệ thống các quy định và hướng dẫn rõ ràng, minh bạch, công bằng là cơ sở quan trọng cho việc triển khai hiệu quả và bền vững các quy định về EPR.

Liên quan đến các quy định về đối tượng và cơ chế đóng góp tài chính cho các hoạt động xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, CropLife đề xuất bổ sung nội dung về việc ban hành Thông tư hoặc văn bản hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật hiện chưa được quy định trong dự thảo Nghị định.

Các doanh nghiệp quan tâm đến quy định EPR

Trong khi đó, Ford Viêt Nam phân tích, tại Việt Nam, doanh nghiệp không chủ động trong việc thu gom để tái chế nên cần cân nhắc về tỷ lệ tái chế bắt buộc. Nghĩa vụ tài chính cho vấn đề này cũng cần sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bàn về EPR, đại diện Abbott đề nghị Bộ xem xét về quy định thành lập Văn phòng EPR; quy định rõ ràng các khoản đóng góp tài chính, điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc và hoãn lộ trình thực hiện EPR.

Ngoài ra, đại diện Abbott cũng đề nghị Bộ đơn giản hóa thủ tục về cấp giấy phép môi trường, có quy định về khoảng cách an toàn với khu dân cư, quy định về sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học…

Bộ TN&MT lắng nghe, chia sẻ

Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, đại diện lãnh đạo các đơn vị đã có sự trao đổi trực tiếp.

Về cơ chế EPR, ông Phan Tuấn Hùng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, EPR không phải là quy định mới ở Việt Nam. Dù việc thành lập EPR không được quy định trong Luật BVMT 2020; song Luật giao Nghị định quy định chi tiết việc thực thi EPR. Để thực thi EPR, cần thiết chế và nguồn lực thực hiện, do vậy việc thành lập Văn phòng EPR không trái với Luật BVMT 2020. Hơn nữa, theo kinh nghiệm quốc tế, tại các nước có mô hình EPR đều có Văn phòng để đảm bảo hệ thống được vận hành minh bạch, hiệu quả. 

Ông Phan Tuấn Hùng chia sẻ về quy định EPR

Về tỷ lệ tái chế, dự thảo Nghị định quy định công thức tham chiếu và quy trình xác định tỷ lệ tái chế bắt buộc cho từng giai đoạn. Theo công thức tính tỷ lệ tái chế tham chiếu trong Dự thảo Nghị định thì cao nhất dự kiến là bao bì nhôm, chai PET ở mức 22,5% và thấp nhất là phương tiện giao thông ở mức 1,8%. Tỷ lệ này chỉ bằng 1/3 tỷ lệ tái chế của các quốc gia ở Châu Âu từ những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, đối với phương tiện giao thông thì chỉ bằng 1/5 của Châu Âu thời điểm mới bắt đầu áp dụng EPR.

Trước đề xuất hoãn lộ trình thực hiện EPR, ông Phan Tuấn Hùng chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Dự thảo Nghị định đã lùi thời hạn thực hiện EPR đến ngày 1/1/2024 (sau 2 năm sau khi Nghị định có hiệu lực)…

Về quy định xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đơn vị soạn thảo sẽ đưa vào Thông tư quy định chi tiết Luật BVMT. “Thực thi EPR, nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu gom, tái chế với sản phẩm của mình, cũng là cơ hội để tạo dựng nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên”, ông Phan Tuấn Hùng nhấn mạnh.

Ông Hoàng Văn Thức thông tin về cải cách thủ tục hành chính trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020

Cho biết về thêm các quy định của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật BVMT 2020, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thông tin, dự thảo Nghị định đã bám sát, cụ thể hóa chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo quy định của Luật BVMT 2020; trong đó, đã giảm 18 thủ tục hành chính so với quy định hiện hành (giảm 34%). Đáng lưu ý, đã tích hợp 7 loại giấy phép vào 1 giấy phép môi trường. Giấy phép này có thời hạn hiệu lực kéo dài từ 7-10 năm.

Về khoảng cách an toàn môi trường đối với khu dân cư, Điều 52 dự thảo Nghị định đã đưa ra tiêu chí để xác định khoảng cách này. Bộ TN&MT sẽ ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, làm cơ sở để xác định khoảng cách an toàn với khu dân cư…/.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT chia sẻ về cơ chế chính sách với doanh nghiệp Hoa Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO