Bộ Tài nguyên và Môi trường sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020

Khương Trung – Tuyết Chinh| 10/07/2020 09:28

(TN&MT) - Sáng 10/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành, Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ.

Sức mạnh bứt phá làm nên dấu ấn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đối mặt khó khăn thách thức về mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội do tác động của dịch Covid-19 đặc biệt là trong điều kiện nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất cao.

Với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự phối hợp của Quốc hội, sự điều hành chủ động, quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã tạo nên sức mạnh to lớn trong việc thực hiện “mục tiêu kép”.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng, ngăn chặn, kiểm soát được dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 có những điểm sáng nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,81% tuy thấp nhất trong nhiều thập kỷ; nhưng là mức tăng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Khương Trung

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong bối cảnh chung của cả nước, Bộ TN&MT đã có những đề xuất rất kịp thời từ quan điểm, giải pháp đến các biện pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tác động của dịch Covid đã được Chính phủ quyết định trong Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 như: hoàn thiện thể chế, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện đầu tư; đẩy mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đề xuất các chính sách về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường; khuyến nghị các địa phương giải pháp chủ động trước tác động của hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng.

Không chỉ dừng lại ở các đề xuất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT đã có các hành động cụ thể. Trong đó, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ các cơ chế, chính sách cụ thể để tháo gỡ các nút thắt, rào cản để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và chủ động đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài như: Nghị định số 25 tháo gỡ nút thắt liên quan đến giao đất đối với trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất; Nghị định số 41 về gia hạn nộp tiền sử dụng đất; dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;...

“Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai…trình Chính phủ tháo gỡ rất nhiều điểm nghẽn cho phát triển”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Bộ TN&MT chủ động, linh hoạt trong quá trình điều hành vĩ mô như xây dựng Nghị quyết về miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất KCN, đô thị để đón làn sóng đầu tư; Bộ cũng ban hành nhiều văn bản theo thẩm quyền hướng dẫn các địa phương trong tổ chức thực hiện, chỉ đạo hướng dẫn thực hiện cấp giấy chứng nhận cho loại hình kinh doanh bất động sản du lịch,…

Đặc biệt, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần tiết kiệm được khoảng 1.047 tỷ đồng/năm. Tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn với cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được đẩy mạnh. Có 33 dịch vụ công mức độ 4, đạt 30% số dịch vụ hoàn thành yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02 ngày 01/01/2020; hoàn thành trước 6 tháng các chỉ tiêu Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2019-2020.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cùng các Thứ trưởng chủ trì Hội nghị. Ảnh: Khương Trung

Một trong những điểm sáng được Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh là đã huy động được sự tham của toàn ngành, trong quá trình thực thi pháp luật để tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý; trong đánh giá của người dân, doanh nghiệp.

Các nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước, tài nguyên biển được sử dụng hiệu quả, trở thành nguồn lực cho phát triển; trong đó, riêng thu tiền sử dụng đất tính đến 15/5/2020 đã đạt 57,9 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4% kế hoạch năm là nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tài nguyên biển, lợi thế của các vùng ven biển đã được phát huy trở thành khu vực phát triển năng động, tăng trưởng mới của đất nước có thể kể đến như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận...

Mặc dù, bảo vệ môi trường đang chịu áp lực ngày một lớn, nguồn ô nhiễm tăng nhanh phát sinh nhiều loại hình chất thải, chất ô nhiễm; nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã tạo được những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý tăng 6%; nhiều địa phương đã có mô hình xử lý hiệu quả như Nghệ An, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Cần Thơ.

Đáng chú ý, Bộ TN&MT đã chủ động kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường của các nguồn thải lớn, thiết lập hệ thống gần 900 trạm quan trắc kết nối trực tuyến với các Sở TN&MT, Bộ TN&MT; có thể theo dõi trên các thiết bị di động. Đặc biệt, đã trình Quốc hội dự án Luật BVMT với tư duy cách mạng, chính sách đột phá sẽ là quyết sách tổng thể, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, đột phá để đưa công tác BVMT trở thành trung tâm của quá trình phát triển bền vững.

Nhấn mạnh việc dự báo sớm nên mặc dù hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra với quy mô lớn và mức độ khốc liệt hơn năm 2016 nhưng thiệt hại chỉ bằng 1/10 so với năm 2016, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngành KTTV đã dự báo chính xác các xu thế thời tiết, các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động của biến đổi khí hậu và phối hợp tốt với các Bộ, ngành, địa phương để chủ động điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ cấu sản xuất, mùa vụ, giảm 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra.

Những chuyển biến tích cực

Khẳng định chuyển biến tích cực trong chỉ số đánh giá của người dân đã thể hiện những nỗ lực và quyết tâm rất lớn, Bộ trưởng nêu rõ, chỉ số tiếp cận đất đai tiếp tục tăng 0,27 điểm; chỉ số hài lòng về dịch vụ cấp giấy chứng nhận tăng 13% so với năm 2016; tỷ lệ phản ánh có tiêu cực trong thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận giảm 34% so với năm 2015. Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) về tiếp cận dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực TN&MT ở địa phương tăng từ 80,03 lên 85,62%; chỉ số hài lòng về công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính đạt 83,82%... Đó là những con số đáng ghi nhận.

Trong công tác chỉ đạo điều hành, có chuyển biến tích cực hoàn thành 100% đề án, nhiệm vụ thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tăng 21,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành để thích ứng nhanh trong bối cảnh dịch bệnh.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Khương Trung

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vấn đề đổi mới, sáng tạo đã được thúc đẩy với hệ thống họp trực tuyến, hệ thống thông tin dữ liệu báo cáo, Trung tâm Điều hành thông minh, phần mềm theo dõi kết quả quan trắc, ô nhiễm không khí Envisoft, bản đồ đo mưa với độ phân giải 1 km để cảnh báo lũ, sạt lở khi có mưa lớn; phát triển kênh chia sẻ, trao đổi thông tin dự báo trực tuyến với các cơ quan dự báo quốc tế và trong nước; đưa vào vận hành và khai thác hiệu quả 10 trạm ra đa thời tiết trên toàn mạng lưới cơ bản bao trùm lãnh thổ Việt Nam…

"Chúng ta đã có nhà khoa học PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế của Trường Đại học TN&MT TP.HCM đã được Tạp chí Khoa học Singapore vinh danh xếp hạng vị trí thứ 23 trong 100 Nhà khoa học tiêu biểu Châu Á năm 2020 và là 1 trong 3 Nhà khoa học Nữ suất sắc nhất Việt Nam năm 2019 do  L’Oréal - UNESCO bình chọn", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Năm 2020 kiên quyết đạt được mục tiêu đã đề ra

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất nhiều, dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường và triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu là rất khó khăn. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quán triệt tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”; khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba để thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Với vai trò là cơ quan quản lý nguồn lực đầu vào, kiểm soát đầu ra, dự báo tác động của thiên tai đối với hoạt động kinh tế - xã hội hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành của Bộ, ngành sẽ tác động đến hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô; Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, Hội nghị sẽ tập trung bàn về mục tiêu, tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện những dự án quan trọng. Từ đó, đưa ra những giải pháp, quyết định mang tính kiên quyết.

Đồng thời, rà soát lại toàn bộ những nhiệm vụ liên quan đến thể chế, chủ động từ thể chế, chính sách để tiếp tục tháo gỡ các "điểm nghẽn", thúc đẩy cải cách, đổi mới; đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ.

Bộ trưởng đề nghị Hội nghị sẽ tập trung những vấn đề hết sức quan trọng, cần thiết, những vấn đề mang tính chất ưu tiên của mỗi lĩnh vực. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư năm 2020, bao gồm cả vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.

Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cấp độ 4; tăng cường phản ứng chính sách; phát huy mọi dư địa, tiềm năng lợi thế của ngành, lĩnh vực cho tăng trưởng; tận dụng tối đa thời cơ, đẩy mạnh thu hút đầu tư và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội.

Tiếp tục phương châm hướng về địa phương cơ sở, giải quyết, trả lời kịp thời các vướng mắc từ thực tiễn; tổ chức đoàn công tác làm việc trực tiếp để xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương.

"Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/04/2020 về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, các đơn vị cần bám sát Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước, định hướng chiến lược, các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên để đề xuất các chương trình, đề án, nhiệm vụ dự án để bố trí nguồn lực cho triển khai" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin Hội nghị. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài nguyên và Môi trường sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO