Bộ Tài nguyên và Môi trường giữ vai trò “nhạc trưởng” trong quản lý tài nguyên nước 

Thúy Hằng – Thu Trang| 24/06/2020 14:33

(TN&MT) - Ngày 24/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã họp với các đơn vị lĩnh vực tài nguyên nước để nghe báo cáo tiến độ xây dựng Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các đơn vị: Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Viện Khoa học tài nguyên nước, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Vụ Kế hoạch tài chính.

Đã thực hiện các nhiệm vụ lập quy hoạch theo đúng tiến độ

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban điều tra tài nguyên nước (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia) cho biết, đến nay, Trung tâm đã tổ chức thu thập thông tin, số liệu, tài liệu và các báo cáo chuyên ngành phục vụ xây dựng các nội dung phân tích, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo cuộc họp

Đối với nước mặt, Trung tâm đã thiết lập và hiệu chỉnh mô hình mưa – dòng chảy Mike -NAM phục vụ đánh giá tài nguyên nước và cung cấp số liệu làm biên đầu vào cho các mô hình thủy lực, cân bằng nước toàn vùng ĐBSCL. Hoàn thiện xây dựng sơ đồ tính toán thủy lực 1 chiều (hơn 3000 mặt cắt, hơn 1000 công trình) và tiếp tục bổ sung mặt cắt, tiến hành hiệu chỉnh, kiểm định mô hình cho toàn hệ thống ĐBSCL. 

Đối với tài nguyên nước dưới đất, theo ông Nguyễn Ngọc Hà, hiện có kết quả đánh giá tài nguyên nước dưới đất cho các tỉnh và toàn vùng ĐBSCL trên cở sở bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ tệ 1/200.000. Đã thiết lập xong mô hình nước dưới đất để phục vụ tính toán các phương án khai thác nước dưới đất. 

Ông Hà cũng cho biết thêm, về hiện trạng khai thác sử dụng nước, đã được tổng hợp trên cơ sở tài liệu, số liệu thu thập tính đến 2018 cho toàn vùng ĐBSCL.

Dự kiến trong tháng 7/2020, trung tâm quy hoạch và điều tra Tài nguyên nước Quốc gia sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung đánh giá hiện trạng TNN, khai thác sử dụng nước và cung cấp cho Cục QLTNN để phục vụ xây dựng quy hoạch TNN quốc gia.

Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước chia sẻ, Cục Quản lý tài nguyên nước đã liên hệ với Vụ Quản lý quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm hiểu về tình hình triển khai lập quy hoạch.

Dự kiến, Cục Quản lý Tài nguyên nước sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch vùng ĐBSCL trong tuần tới. Bên cạnh đó, Cục cũng đã xây dựng dự thảo Báo cáo quy hoạch vùng ĐBSCL và dự thảo báo cáo ĐMC đối với quy hoạch (dự kiến hoàn thành Tháng 8/2020) và lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương (tháng 9/2020), đồng thời họp Hội đồng thẩm định, hiện thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 12/2020). 

Cục Quản lý Tài nguyên nước cũng kiến nghị Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ về lập quy hoạch tổng hợp LVS Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê san và Srepok để tổ chức lấy các đơn vị trong Bộ, họp Hội đồng cấp Bộ và các thủ tục tiếp theo để đảm bảo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2020 theo Chương trình công tác của Bộ đã ban hành và kế hoạch lập quy hoạch về TNN tại Văn bản số 653/TNN-QHĐT ngày 31/3/2020 của Cục Quản lý tài nguyên nước.

Cần thể hiện vai trò “nhạc trưởng” trong quản lý tài nguyên nước

Tại cuộc họp, ông Lê Anh Đức, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước nêu vấn đề: Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL diễn biến ngày càng gay gắt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trong vùng, các giải pháp trữ nước đã và đang được các bộ, ngành, địa phương đề xuất như là một trong những biện pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các giải pháp trữ nước đã và đang thực hiện vẫn còn mang tính đơn lẻ, địa phương thiếu tính liên kết vùng. Đến nay, ở ĐBSCL chưa có một giải pháp tổng thể, toàn diện về vấn đề trữ nước cho toàn vùng và các tiểu vùng, mang tính liên vùng, trên cơ sở tầm nhìn dài hạn và định hướng chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc xây dựng giải pháp trữ nước tổng thể cho toàn vùng là một yêu cầu cấp thiết.

Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu tại buổi họp

Về vấn đề này, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng, giải pháp trữ nước của đồng bằng đối với các công trình cần có buổi thêm buổi rà soát, cân nhắc lại, không thể như “đào ao đắp đập” sẽ làm vai trò của ngành tài nguyên và môi trường rất yếu, không thành vai trò “nhạc trưởng” được mà phải tổ hợp các giải pháp trong đó tận dụng những cái gì đang có, đã có để biến thành của chúng ta, kể cả giải pháp công trình và phi công trình. 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đồng ý với ý kiến cho rằng lĩnh vực tài nguyên nước phải sát bộ, cùng làm với quy hoạch vùng và giao cho Cục Quản lý tài nguyên nước làm đầu mối.

Về tiến độ thực hiện quy hoạch, Thứ trưởng hoan nghênh Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã triển khai các nhiệm vụ quy hoạch một cách kịp thời. 

Về vấn đề phân vùng, theo Thứ trưởng cần chọn tiêu chí dựa vào quan điểm nào để phân vùng. “Chúng ta phân vùng trên quan điểm của tài nguyên nước” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Quang cảnh tại buổi họp

Theo Thứ trưởng, quy hoạch là nhằm tiệm cận đến cái đúng. Vì thế, Thứ trưởng đề nghị Trung tâm thu thập đầy đủ báo cáo kinh tế xã hội của địa phương để lựa chọn thông tin, từ đó có các giải pháp sát với thực tế. 

Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của tài nguyên nước trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, tài nguyên nước cần phải hiện diện khắp nơi, gây tiếng vang để mọi người cùng hiểu.

Quan trọng nhất là cần có kịch bản tài nguyên nước, ứng với nó là có giải pháp ra sao. Thứ trưởng khẳng định, Bộ TN&MT là “nhạc trưởng” về tài nguyên nước đưa ra các giải pháp quản lý tổng thể, còn các giải pháp cụ thể thuộc về các Bộ, ngành, địa phương như xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn….

 

Theo báo cáo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia - Đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch, hiện nay, LVSCL có diện tích khoảng 39.945 Km2, chiếm 5% diện tích lưu vực sông Mê Công. Vùng quy hoạch bao gồm 13 tỉnh/thành phố: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh  Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, với diện tích 39.945 km2 (không kể diện tích các đảo). Nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long rất phong phú, chiếm 57% tổng lượng của cả nước với tổng lượng dòng chảy năm trung bình nhiều năm khoảng 500 tỷ m3, trong đó có đến 475 tỷ m3 từ nước ngoài, nội sinh chỉ khoảng 25 tỷ m3 chiếm 5% tổng lượng dòng chảy. 

Mục tiêu của nhiệm vụ quy hoạch tổng hợp LVSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ bảo đảm phân bổ công bằng và hợp lý nguồn nước giữa các vùng, nhóm đối tượng sử dụng nước, các tỉnh. Cùng với đó sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong phân bổ, chia sẻ, khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước.

Quy hoạch tổng hợp LVSCL sẽ góp phần cân bằng giữa lượng nước có thể khai thác và nhu cầu sử dụng nước trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và do khai thác, sử dụng nước ở thượng lưu. Mặt khác, bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung; hạn chế tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông và các tầng chứa nước… Đặc biệt là, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn nước.

Cụ thể, đến năm 2030 sẽ bảo đảm phân bố công bằng, hợp lý lượng nước có thể khai thác với các nhu cầu sử dụng nước có xét đến sự biến động nguồn nước do tác động của BĐKH, NBD và do khai thác, sử dụng nước ở thượng lưu sông Cửu Long; Cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong phân bổ, chia sẻ và khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước trên lưu vực; Kiểm soát được các nguồn xả thải tập trung và phục hồi các nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng, duy trì được hệ sinh thái phụ thuộc vào nguồn nước; Kiểm soát được tình trạng sạt lở bờ sông, tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông và các tầng chứa nước.

Tiếp đến năm 2050 sẽ chủ động được nguồn nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, có xét đến tác động của BĐKH, nước biển dâng và khai thác, sử dụng nước ở thượng lưu; nâng cao hiệu quả sử dụng nước, ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng sử dụng nước có hiệu quả kinh tế cao và sử dụng nước tái tạo; bảo tồn các nguồn nước có ý nghĩa quan trọng đối với các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, bảo vệ hệ sinh thái phụ thuộc vào nguồn nước và cảnh quan môi trường các dòng sông; phát triển tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài nguyên và Môi trường giữ vai trò “nhạc trưởng” trong quản lý tài nguyên nước 
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO