Bộ Tài nguyên và Môi trường: Bám sát diễn biến khô hạn ở miền Trung

01/08/2019 11:39

(TN&MT) - Trước tình hình khô hạn kéo dài tại các tỉnh miền Trung, Đoàn Công tác Bộ TN&MT đã khảo sát toàn khu vực để chỉ đạo sát sao công tác vận hành các hồ chứa lớn, đảm bảo nguồn nước cho hạ du lưu vực sông. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước xung quanh vấn đề này.  

IMG 20190731 1202012(1)
Đoàn công tác của Bộ TN&MT kiểm tra chống hạn tại xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

 PV: Xin ông cho biết tình trạng hạn hán thiếu nước trên các lưu vực sông và tại các hồ chứa lớn, quan trọng tại khu vực miền Trung?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Đến đầu tháng 11/2018 là tháng cuối của mùa lũ, lượng nước tích được của các hồ chứa lớn trong các quy trình vận hành liên hồ chứa đạt tỷ lệ rất nhỏ (chỉ đạt từ 20% - 45%), nếu so với yêu cầu lượng nước tối thiểu vào đầu mùa cạn mới chỉ đạt từ 35% - 50%.

Cho tới đầu mùa cạn năm 2019, tình hình mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông ở miền Trung từ sông Cả đến sông Ba không được cải thiện. Nhiều hồ chứa lớn có mực nước thấp, xấp xỉ mực nước chết như hồ Bình Điền, hồ Tả Trạch, hồ Đắk Mi 4, hồ A Vương, Sông Bung 4, Sông Ba Hạ, Ka Nak (chỉ cao hơn mực nước chết khoảng 2 - 4m). Tổng lượng nước thiếu hụt của các hồ chứa này so với nhu cầu tối thiểu mà hồ chứa phải tích được ở đầu mùa cạn vào khoảng 2 tỷ m3. Chỉ có 2 lưu vực có các hồ chứa được xem là còn đủ nước là sông Trà Khúc và Sông Kôn - Hà Thanh. Tuy vậy, các hồ này cũng có dung tích điều tiết ở mức trung bình 100 - 200 triệu m3, trong khi đó, nhu cầu cấp nước cho hạ du rất lớn.

Hiện nay, trên các lưu vực sông ở miền Trung đã hoặc chuẩn bị bước sang mùa lũ. Xét về lượng nước tích trong các hồ để có thể cân đối đến hết mùa cạn, cơ bản có thể đáp ứng. Tuy vậy, nếu vận hành không hợp lý, nguy cơ thiếu nước cuối mùa cạn, đầu mùa lũ sẽ rất cao.

PV: Cục Quản lý Tài nguyên nước đã tham mưu cho Bộ TN&MT chỉ đạo thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa phục vụ công tác chống hạn, cấp nước an toàn cho hạ du như thế nào, thưa ông?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Trước tình trạng diễn biến dòng chảy đến các hồ chứa, tình hình mưa lũ trên các lưu vực sông miền Trung và Tây Nguyên, nhận thấy khả năng xảy ra nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các hồ chứa lớn, quan trọng rất cao, để đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2019, ngay đầu tháng 11/2018, Bộ TN&MT đã có các Văn bản đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo các Sở, ban ngành, các cơ quan liên quan, các chủ hồ chủ động tích nước đảm bảo nước cho mùa cạn năm 2019 và riêng đối với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, trước tình trạng mất an toàn cấp nước hạ du, đặc biệt, đảm bảo cấp nước an toàn cho TP. Đà Nẵng, Bộ TN&MT đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành, trong đó, chỉ đạo các chủ hồ, công ty cấp nước TP. Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ để điều tiết cấp nước, khai thác tối đa nguồn nước từ đập dâng An Trạch, đặc biệt trong các thời điểm nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn.

Theo dõi sát diễn biến thực trạng nguồn nước đến các hồ chứa, nhu cầu sử dụng nước của các địa phương chịu sự ảnh hưởng bởi việc điều tiết các hồ chứa để tính toán, cân đối nguồn nước các hồ chứa, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hướng dẫn việc điều tiết, xả nước các hồ chứa trên các lưu vực sông lưu vực sông Cả, sông Ba (hồ An Khê - Ka Nak), sông Trà Khúc,… đặc biệt là các lưu vực sông xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Nguyên tắc quan trọng nhất trong các Quy trình liên hồ và trên thực tế vận hành là đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du phải được đặt lên trước việc bảo đảm hiệu quả phát điện. Để nâng cao hiệu quả công tác vận hành các hồ chứa, đặc biệt, cấp nước cho hạ du trong thời gian mùa cạn, việc phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, các chủ hồ đóng vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, phạm vi điều tiết, cấp nước cho hạ du của các hồ chứa lớn, quan trọng trong các quy trình vận hành liên hồ chứa chỉ ở các khu vực hạ du thuộc các địa phương nằm, dọc các sông, suối, mà không thể điều tiết cấp nước được cho toàn bộ phạm vi của cả lưu vực. Do vậy, đối với các hồ chứa vừa và nhỏ còn lại, không nằm trong các quy trình cũng cần phải rà soát, đánh giá và phối hợp chỉ đạo điều hành hợp lý, mới có thể giảm thiểu được tình trạng hạn hán  như hiện nay.

PV: Vậy, việc cần thiết phải rà soát điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ cho phù hợp với thực tế là như thế nào, thưa ông?

Ông Châu Trần Vĩnh:

Đến nay, trên 11 lưu vực sông lớn, quan trọng của nước ta (trừ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) đã có Quy trình vận hành liên hồ được Thủ tướng Chính phủ ban hành và các hồ đang thực hiện vận hành theo quy định của Quy trình. Bên cạnh việc thường xuyên theo dõi, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo điều hành việc vận hành các hồ chứa, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy trình và phối hợp với các địa phương, các chủ hồ chứa và các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổng kết, đánh giá quá trình vận hành liên hồ chứa trong thời gian qua.

Việc vận hành đã mang lại những hiệu quả tích cực. Tuy vậy, thực tế cho thấy, còn một số bất cập trong công tác vận hành theo các quy trình, có thể kể đến như: Quy định chưa rõ ràng về thẩm quyền quyết định vận hành hồ chứa đối với từng tình huống cụ thể; công tác dự báo dòng chảy đến hồ của các chủ hồ còn thiếu chính xác; năng lực chỉ đạo điều hành hồ của một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, giữa các chủ hồ còn chưa chặt chẽ, kịp thời; việc huy động của hệ thống điện còn bất cập… Những bất cập kể trên thực tế đã làm giảm hiệu quả công tác vận hành điều tiết nước cắt giảm lũ cho hạ du của các hồ chứa.

Đến nay, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6/11 Quyết định điều chỉnh, bổ sung các quy trình trên các lưu vực sông: Hồng, Mã, Trà Khúc, Ba, Kôn - Hà Thanh và sông Sê San. Còn 5/11 quy trình vận hành trên lưu vực sông còn lại là sông Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, SrêPốk và sông Đồng Nai và kế hoạch trình Chính phủ ban hành các quy trình như sau: Quy trình sông SrêPôk, Quy trình sông Hương và Cả; quy trình sông Đồng Nai và Vu Gia - Thu Bồn sẽ trình Bộ, trình Chính phủ trong những tháng còn lại năm 2019.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Tài nguyên và Môi trường: Bám sát diễn biến khô hạn ở miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO