“Bỏ quên” phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản: ​​​​​​​Chây ỳ trách nhiệm

22/08/2019 11:32

(TN&MT) - Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sau khai thác đã “bỏ quên” phục hồi, cải tạo môi trường, nhất là những mỏ khai thác đất, đá, quặng sắt.

1
Nhiều mỏ đá sau khai thác để lại vách đứng rất nguy hiểm

Điểm mặt

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 27 mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác hoặc ngừng hoạt động, trong đó, có 18 mỏ cần phải thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Theo báo cáo của Sở TN&MT Thanh Hóa, đã có 9 mỏ khoáng sản đã trở về trạng thái an toàn. Đối với 18 mỏ khoáng sản trong quá trình khai thác để lại các vách, moong, hố nham nhở cần yêu cầu các chủ mỏ lập hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ, cải tại, phục hồi môi trường bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định.

Tại huyện Như Thanh có mỏ đất san lấp ở xã Phú Nhuận được cấp cho Công ty xây dựng công trình Việt Bằng và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tiến Đạt trước đây. Thời gian được cấp mỏ đơn vị đã để nhiều xe quá tải vào chở đất gây bụi bặm, cản trở giao thông, hỏng đường sá khiến người dân rất bức xúc. Mỏ đá vôi ở xã Hải Vân của Công ty TNHH Hưng Quý và mỏ quặng sắt của Công ty CP Gang thép Thanh Hóa tại xã Thanh Kỳ, sau khi hết hạn khai thác vẫn chưa được phục hồi, cải tạo môi trường mà để lại các vách, moong, hố nham nhở tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, tai nạn cao trong mùa mưa bão.

Tại huyện Đông Sơn có 4 mỏ đất gồm: Mỏ đất sét làm gạch tại xã Đông  Văn, mỏ đất sét làm gạch tuynel xã Đông Quang của Tổng ty CP Xây dựng Hancorp; mỏ đất san lấp xã Đông Nam của Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa; mỏ đất san lấp xã Đông Nam của Công ty Xây dựng và Dịch vụ kỹ thuật Thành Minh. Theo kiểm tra thực tế của Sở TN&MT Thanh Hóa, các đơn vị đã dừng hoạt động khai thác nhưng trong quá trình khai thác để lại các vách, moong, hố nham nhở.

Ngoài ra, một số mỏ đá Silic ở huyện Hà Trung, mỏ đá vôi huyện Cẩm Thủy, mỏ cát huyện Thiệu Hóa, mỏ đất san lấp huyện Vĩnh Lộc… các chủ mỏ cũng chưa thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác.

Cần chỉ rõ trách nhiệm

Theo Công văn số 5892/UBND-CN về việc xử lý các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh có Giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất hết hạn của UBND tỉnh Thanh Hóa. Đối với 18 mỏ còn các moong, vách khai thác nham nhở, có nguy cơ mất an toàn giao Sở TN&MT thông báo, hướng dẫn cho các chủ mỏ khẩn trương thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định; thời gian thực hiện xong trước ngày 30/9/2019. Quá thời hạn trên, nếu chủ mỏ nào không hoàn thành, giao Sở TN&MT để xuất cụ thể hướng xử lý, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định trước ngày 15/10/2019.

Ông Phạm Văn Hoành - Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết: Đối với 18 mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, Sở đã làm văn bản báo cáo lên UBND tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các chủ mỏ lập hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường bàn giao cho địa phương quản lý theo quy định. Nếu quá thời hạn 30/9/2019 UBND tỉnh xẽ xem xét, quyết định.

Khoản 1, Điều 2, Quyết định 18/2013/QĐ-TTg, ngày 29/3/2013 về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản của Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ: “Cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái (đất, nước, không khí, cảnh quan thiên nhiên, thảm thực vật,...) tại khu vực khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường và phục vụ các mục đích có lợi cho con người”.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bỏ quên” phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản: ​​​​​​​Chây ỳ trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO