“Bỏ quên” phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản: Ẩn chứa nhiều rủi ro

22/08/2019 10:46

(TN&MT) - Nhiều mỏ khoáng sản không tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường, đưa mỏ trở lại trạng thái an toàn đã gây nên những tai nạn thương tâm.

Hoạt động bơm nước tháo khô để khai thác khoáng sản đang được thực hiện Ảnh Duy Khánh
Một điểm khai thác khoáng sản. Ảnh: Duy Khánh

Nhiều tai nạn thương tâm

Chiều ngày 13/3/2019, một vụ sập hầm quặng thiếc xảy ra tại vùng “rốn quặng” huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An khiến 3 người thiệt mạng. Được biết, 3 nạn nhân được xác định gồm anh Lương Văn Tuấn (SN 1977), chị Lương Thị Hảo (SN 1982) và chị Sầm Thị Hải (SN 1987). Cả 3 người đều ở xóm Bản Chảo, xã Châu Hồng, cách khu vực họ thực hiện mót thiếc khoảng 3km tính theo đường chim bay. Trong đó, anh Lương Văn Tuấn và chị Lương Thị Hảo là vợ chồng.

Cùng tham gia mót thiếc và bị sập hầm còn có anh Trương Văn Hiền, chồng của chị Sầm Thị Hải, nhưng anh Hiền may mắn thoát được khỏi hầm. Sau đó, anh Hiền và người thân đã đưa được chị Sầm Thị Hải ra khỏi khu vực hầm sập sau 20 phút nhưng do bị thương quá nặng, nên chị Hải đã qua đời trên đường đến trạm y tế.

Điều đáng nói, vị trí người dân vào mót vét quặng thiếc đã xảy ra tai nạn được xác định thuộc điểm mỏ của Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hùng đóng trên địa bàn xã Châu Hồng. Mỏ này đã được UBND tỉnh Nghệ An quyết định cho đóng cửa mỏ vào tháng 5/2017 nhưng các hầm khai thác cũ không được đánh sập theo quy định. Nguyên nhân dẫn đến việc hầm sập sau đó cũng được xác định do tại khu vực này, qua nhiều thời gian, không có hoạt động khai thác, các hệ thống cột chống và đất núi bị phong hóa, khi có tác động mạnh của việc đào bới đã khiến cho hầm bị sập.

anh 3
Cơ quan chức năng phá hủy 45 hầm quặng thiếc từ các mỏ hết hạn ở Quỳ Hợp

Một vụ tại nạn tương tự xảy ra sau đó chưa đầy 1 tháng. Vào ngày 5/4/2019, một nhóm người cùng trú tại xã Châu Hồng đến khu vực mỏ Thung Khoong nằm trên địa bàn xã để mót quặng thiếc. Khu vực này trước đây cũng từng có doanh nghiệp khai thác thiếc nhưng đã dừng hoạt động. Trong lúc một nhóm người đang mót quặng thiếc, bất ngờ, một lượng lớn bùn, đất, đá ở phía bị sạt lở, vùi lấp chị Lô Thị Huế trú tại bản Poòng và chị Vi Thị Hương trú tại bản Na Hiêng.

Rất may, nạn nhân Vi Thị Hương được những người đi mót quặng cùng cứu sống kịp thời, còn chị Lô Thị Huế do bị lượng lớn bùn đất vùi lấp nên đã tử vong.

Sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng đến hiện trường nhưng rất vất vả mới đưa được thi thể nạn nhân lên khỏi mặt đất. Nói về những vụ tai nạn thương tâm do người dân đi mót quạng thiếc tại các mỏ cũ, ông Kim Văn Hường - Bí thư Đảng ủy xã Châu Hồng cho biết: Người dân địa phương đi mót quạng thiếc đa số đều là hộ nghèo, không có việc làm, ruộng nương ít hoặc không có nên để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học họ phải “đánh liều” nhưng hậu quả, ai cũng thấy, rất thương tâm!

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Trước thực trạng các mỏ quặng thiếc và mỏ khoáng sản nói chung ở huyện Quỳ Hợp đã không còn khai thác nhưng không được cải tạo, phục hồi môi trường, đưa mỏ về trạng thái an toàn dẫn đến những hệ lụy khôn lường như đã liên tiếp xảy ra. Vào giữa năm 2019, UBND huyện Quỳ Hợp đã “ra tay” xử lý những “hiểm họa” từ mỏ thiếc cũ.

Theo đó, trong 3 ngày từ 24 - 26/6, UBND huyện Quỳ Hợp đã tập trung lực lượng, phối hợp UBND xã Châu Thành, Châu Hồng huy động máy xúc, xe cơ giới, phương tiện và hơn 50 người là lực lượng công an, dân quân đồng loạt tiến hành san lấp, đánh lấp 45 điểm cửa hầm lò của 3 mỏ thiếc khai thác hầm lò tại khu vực Lan Toong, suối Bắc, xã Châu Thành và Châu Hồng đã có quyết định đóng cửa mỏ của UBND tỉnh Nghệ An từ trước đó. Tiếp đó, UBND huyện Quỳ Hợp sẽ báo cáo UBND tỉnh Nghệ An lập phương án xử lý theo quy định.

Ngày 29/5/2019, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1950/QĐ-UBND về việc đóng cửa mỏ khoáng sản đối với 10 khu vực mỏ ở các xã Châu Quang, Thọ Hợp, Liên Hợp, Châu Lộc, Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp) được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác khoáng sản cho 9 doanh nghiệp từ các năm 2004 đến năm 2009.

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, hiện, huyện Quỳ Hợp còn 64 giấy phép khai thác khoáng sản còn trong thời hạn, có 57 giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn và không khai thác, trong đó, 51 giấy phép đã có quyết định đóng cửa mỏ, 6 giấy phép đang trong quá trình nâng cấp trữ lượng xin cấp lại.

Tuy vậy, trên thực tế, sau khai thác các chủ mỏ vẫn chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm túc công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định đầy đủ, kịp thời, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, liên tục xảy ra những vụ tai nạn thương tâm khi người dân tiếp tục vào tận thu tại các mỏ chưa được “hoàn thổ”.

Được biết, Huyện ủy, UBND huyện Quỳ Hợp đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt; các xã Châu Hồng, Châu Thành, Châu Tiến đã có văn bản phổ biến xuống tận các chi bộ, xóm bản; tổ chức tuyền truyền, vận động tại các cuộc họp và trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của việc đi mót quặng tại những điểm mỏ đã dừng khai thác. Tuy vậy, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, một số hộ dân tranh thủ lúc nông nhàn rủ nhau đi mót, vét quặng để tăng thêm thu nhập cho gia đình, từ đó dẫn đến tai nạn thương tâm.

Ông Lê Sỹ Hào - Trưởng Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp cho biết, hiện nay, tất cả các điểm mỏ đã không còn khai thác, hết hạn giấy phép khai thác trên địa bàn đều đã có Quyết định đóng cửa mỏ theo quy định. Đợt tháng 6/2019 huyện đã rà soát và xử lý 45 hầm quặng thiếc và tiếp tục rà soát các khu vực còn lại nếu có trường hợp tương tự sẽ kiến nghị xử lý tiếp để đảm bảo an toàn, tránh những hệ lụy không đáng có.

Ngoài các mỏ quặng thiếc, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn hàng chục điểm mỏ, chủ yếu là mỏ đá, mỏ đất đã hết giấy phép khai thác hoặc không còn hoạt động nhưng công tác cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định còn bị xem nhẹ. Các mỏ nói trên nằm chủ yếu ở các huyện Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai, Diễn Châu, Nghi Lộc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bỏ quên” phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản: Ẩn chứa nhiều rủi ro
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO