Khoáng sản

Bộ GTVT và Bộ TN&MT đã xử lý vấn đề thiếu nguồn vật liệu cao tốc Bắc-Nam

Trường Giang - Khương Trung 08/06/2023 13:34

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, đã gỡ được những vướng mắc về nguồn vật liệu cao tốc Bắc-Nam phía Đông nhằm đưa tiến độ dự án về đích đúng hẹn. Theo đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã vào các địa phương, đặc biệt là khu vực miền Tây như Đồng Tháp, An Giang để giải quyết. Đến nay, vấn đề nguyên vật liệu đã được xử lý.

Vấn đề nguyên vật liệu đã được xử lý

Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội với lĩnh vực giao thông vào sáng 8/6, liên quan đến câu hỏi của Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hoá) về vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vật liệu đất, cát, san nền để thực hiện các công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu cho biết, tháng 1/2022 Quốc hội đã có Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, theo đó cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về miễn cấp giấy phép khai thác mỏ, khoáng sản làm vật liệu thông thường khác với Luật Khoáng sản để phục vụ hạ tầng giao thông quan trọng, trong đó có công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2015.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, qua phản ánh của cử tri và doanh nghiệp thì việc tiếp cận nguồn vật liệu thông thường trên thực tế như đất, cát, san nền là rất khó khăn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết vướng mắc, khó khăn là do đâu, giải pháp khắc phục trong thời gian tới để hoàn thành đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đảm bảo đúng thời hạn.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng  Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận có việc khó tiếp cận về nguồn vật liệu nhưng không phổ biến, chỉ ở một vài dự án trong giai đoạn đầu triển khai.

070620230441-z4412297885279_8c02d40c659d3db0abd7e7664caa9f51.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn 

Cụ thể, khi làm thủ tục để được cấp mỏ, doanh nghiệp phải mất thời gian trong khi dự án vẫn phải làm, nên giai đoạn đầu doanh nghiệp phải mua nguyên vật liệu trên thị trường, có những nơi đòi giá cao hơn so với giá công bố khiến doanh nghiệp không thể mua vì sẽ không thể thanh toán.

“Theo quy trình của Nghị quyết 43, việc cấp mỏ cũng được các địa phương giải quyết rất nhanh so với thời gian quy định trong Luật Khoáng sản, tuy nhiên vẫn còn địa phương lúng túng trong việc áp dụng Nghị quyết 43,” Bộ trưởng Bộ GTVT nói.

Do đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào các địa phương, đặc biệt là khu vực miền Tây như Đồng Tháp, An Giang để giải quyết. Đến nay, vấn đề nguyên vật liệu đã được xử lý.

Đối với cát biển trong xây dựng cao tốc đoạn Cần Thơ-Cà Mau, Bộ trưởng thông tin, dự án cần 18 triệu m3 cát, thời gian triển khai 3 năm. Theo quy hoạch, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 130 triệu m3 cát tập trung ở 3 tỉnh đó là An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. 8 dự án trên khu vực này cần 50 triệu m3 cát. Theo quy hoạch vẫn đảm bảo nguồn nguyên vật liệu cho dự án này. Riêng dự án Cần Thơ-Cà Mau, vừa qua, trên cơ sở làm việc với 3 tỉnh, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo giao cho tỉnh An Giang và Đồng Tháp mỗi tỉnh cung cấp 7 triệu m3 cát, Vĩnh Long là 5 triệu m3 cát trong thời gian triển khai dự án. Trong năm đầu tiên, An Giang và Đồng Tháp cung cấp là 3,3 triệu m; Vĩnh Long là 1 triệu m3 cát. Các tỉnh rất ủng hộ và cấp phép đủ và tiếp tục cấp để đảm bảo đủ nguồn.

doan_dai_bieu_ngay_8.6_20230608145656.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh dự phiên họp chất vấn của Quốc hội. 

Về nghiên cứu cát biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ rất quan tâm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt và thống nhất giao việc này cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp các bộ ngành để nghiên cứu. Hiện nay việc thí điểm đã triển khai các bước theo đúng quy chuẩn. “Đáng mừng là đã thử nghiệm trên 1 số tuyến, đoạn tuyến đường bộ, đường tránh, sử dụng thay thế 100% cát thông thường, qua theo dõi quan trắc tiêu chí về lý hoá phù hợp với môi trường. Về vấn đề chịu tải của cát biển khi làm vật liệu đắp nền đường hiện vẫn đang tiếp tục quan trắc từ nay đến cuối năm nhưng kết quả ban đầu khá là khả quan bởi chỉ riêng Sóc Trăng là 14 tỷ m3 cát biển,” Bộ trưởng Thắng nói.

Chống lợi ích nhóm trong thực hiện cơ chế đặc thù mỏ vật liệu

Trả lời về vấn đề khai thác mỏ cát, vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, vì triển khai cao tốc nhiều nên nhu cầu sử dụng vật liệu cao. Thời gian trước, do gặp nhiều vướng mắc thời gian qua đã có nhiều chính sách đặc thù để giải quyết, tháo gỡ.

080620231051-z4414249053288_923f3cab51995a0ef98b750b865e799c.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn

“Đến nay đã cho phép cơ chế giao mỏ trực tiếp cho nhà thầu thi công cao tốc, thay vì qua một doanh nghiệp trung gian khác làm chậm trễ quá trình khai thác. Điều đó tạo thuận lợi hơn rất nhiều trong quá trình triển khai”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh quan điểm các dự án cần làm nhanh nhưng phải bảo vệ môi trường, an toàn trong khai thác mỏ và trên tinh thần công tâm, minh bạch vì lợi ích chung, không để xảy ra tình trạng mua đi bán lại các mỏ, vật liệu, chống lợi ích nhóm trong thực hiện các cơ chế đặc thù này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ GTVT và Bộ TN&MT đã xử lý vấn đề thiếu nguồn vật liệu cao tốc Bắc-Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO