Sẽ giải quyết “mục tiêu kép”
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng dự án đạt trên 73%. Đối với 3 dự án đầu tư công bắt đầu triển khai thi công từ tháng 9/2019, riêng cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến triển khai tháng 8/2020. Đối với 8 dự án PPP đã phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư; hiện đang chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành công tác đấu thầu trong tháng 11/2020.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Ảnh: Quốc Khánh |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là tuyến huyết mạch, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thành và sớm đưa vào khai thác sẽ tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công sẽ giải quyết triệt để khó khăn về huy động vốn tín dụng, bảo đảm tiến độ hoàn thành theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Đồng thời giải quyết được “mục tiêu kép” là đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ mặt cầu cho tăng trưởng GDP và đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng kinh tế.
Mặt khác, việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ bảo đảm chắc chắn triển khai thành công, tổng mức đầu tư giảm do không tính chi phí lãi vay. Việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ sử dụng ngay toàn bộ phần diện tích mặt bằng đã bàn giao, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quốc Khánh |
Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45, Chính phủ đã xác định tiêu chí lựa chọn các dự án chuyển đổi sang đầu tư công: dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển; dự án cấp bách, có nhu cầu vận tải cao, kết nối cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; dự án khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành công; đảm bảo tính kết nối liên tục để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét chuyển đổi sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần, gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây; 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.
Nhấn mạnh việc chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công cần bổ sung nhu cầu vốn (khoảng 7.350 tỷ đồng) trong kế hoạch năm 2020 để triển khai thi công công, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang bổ sung cho dự án, ứng trước dự toán ngân sách năm sau theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Ngân sách Nhà nước.
Không để lặp lại tình trạng “chậm tiến độ, chất lượng không đảm bảo”
Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và thống nhất chuyển đổi 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 5 dự án thành phần còn. Việc lựa chọn các dự án thành phần nêu trên cũng phù hợp khi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến nay không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, do đó, cần thiết phải chuyển đổi.
Quang cảnh phiên làm việc tại hội trường sáng 9/6. Ảnh: Quốc Khánh |
Đối với việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây, mặc dù đã có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, tuy nhiên do 2 dự án thành phần này có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn.
Việc chuyển đổi 2 dự án thành phần này sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cho các dự án thành phần này; đây cũng là 2 dự án kết nối các trung tâm kinh tế lớn của đất nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết được tình trạng quá tải trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây - Phan Thiết (Quốc lộ 1 có 2 làn xe).
Ngoài ra, theo dự báo, nhu cầu vận tải của 2 dự án thành phần này rất lớn, khả năng nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước đối với 02 dự án thành phần này tính khả thi cao. Tuy nhiên, nếu các dự án này được lựa chọn chuyển đổi thì tổng vốn ngân sách nhà nước cần bổ sung sẽ rất lớn (23.461 tỷ đồng).
Ngoài ra, cả 03 dự án thành phần nêu trên nếu được chuyển đổi sẽ thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia do sử dụng vốn đầu tư công lớn hơn 10.000 tỷ đồng , vì vậy, cần thực hiện theo quy định là dự án quan trọng quốc gia quy định tại Luật Đầu tư công.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị chỉ nên chuyển đổi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, đối với các dự án còn lại cần tiếp tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng Nghị quyết 52. Có ý kiến cũng quan ngại việc điều chỉnh phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện được chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội để tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.
Uỷ ban Kinh tế đề nghị với trường hợp các dự án thành phần được cho phép chuyển đổi, Chính phủ phải có các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư, do mỗi nhà đầu tư chỉ tham gia một hoặc một số dự án thành phần, nên khi dự án phải chuyển sang đầu tư công, nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển của dự án đó sẽ không có cơ hội tham gia các dự án thành phần khác.
Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần khẩn trương có giải pháp quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện Dự án. Đặc biệt, đối với các dự án thành phần nếu được chuyển đổi cần bảo đảm tiến độ triển khai theo đúng dự kiến, không để lặp lại tình trạng chậm tiến độ, chất lượng không bảo đảm và tăng tổng mức đầu tư như nhiều dự án đầu tư công thời gian qua.