Xã hội

Bộ đội về làng

Ngọc Nho 30/08/2024 - 17:54

(TN&MT) - Người viết bài này không đứng ở góc nhìn của một người lính từng cầm súng trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc mà viết với tư cách của một người dân, một cán bộ thôn trong tình cảm tha thiết biết ơn những người lính Cụ Hồ.

bia-trang-17.png
trang-1(2).png
nen.png

Tôi may mắn sinh ra và lớn lên ở một vùng quê cách mạng có truyền thống đánh giặc giữ làng, giữ nước - vùng quê có Chi bộ Đảng đầu tiên, là đơn vị đầu tiên của huyện Ba Vì xứ Đoài mây trắng được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, vùng quê được nhân dân gọi là Làng Bộ đội - đó là làng Cổ Đô thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ và Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, nhân dân Cổ Đô được đón hàng trăm bộ đội về an dưỡng và xây dựng quê hương, huấn luyện đào tạo dân quân du kích. Đặc biệt trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc những năm 60, 70, các đơn vị của Tiểu đoàn 3 tên lửa, cùng các đơn vị phòng không đã về Cổ Đô xây dựng trận địa bảo vệ Thủ đô, bảo vệ thành phố công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) non trẻ và bảo vệ tuyến đê sông Hồng... là những mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ.

anh-.png

Hồi đó, trong làng, gia đình nào được đón bộ đội về ở là một niềm tự hào hãnh diện với chòm xóm vì lãnh đạo địa phương phải xét tiêu chí rất kỹ rồi mới lựa chọn, phân công đón bộ đội chứ không phải thích đăng ký là được đón ngay.

Từ ngày bộ đội về làng, ngoài trận địa, mỗi sáng sớm, các đội sản xuất thay nhau gánh nước, mang lương thực thực phẩm, rồi từng cân gạo nếp, gạo tẻ, từng buồng chuối, củ khoai, mớ rau… ra cho các anh. Tôi còn nhớ anh Hùng - Phân đội trưởng tên lửa cùng rất nhiều chiến sỹ mỗi chiều sau giờ trực chiến lại đón các cháu thiếu niên ra thăm trận địa, đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi và nhân dân được tận mắt chứng kiến những khẩu cao xạ pháo hiện đại của bộ đội ta.

Cũng từ ngày bộ đội về, trong làng, các xóm ngõ, nơi sinh hoạt công cộng, đường ra các cánh đồng... bộ đội cùng thanh niên, dân quân đào hầm trú ẩn; cùng thôn, xã lập phương án bảo vệ, sơ tán nhân dân tránh máy bay ném bom... vì vậy Cổ Đô tuy chịu hàng chục lần bom Mỹ rải xuống nhưng cơ bản đều an toàn về người và tài sản.

box(2).png
Một góc làng Cổ Đô. Ảnh: Thành Đạt

Ấn tượng bộ đội về làng còn là khi Lữ đoàn 249 công binh về đắp đê chống lụt tại quê. Một lần nữa, địa phương lại bình bầu lựa chọn các gia đình ưu tú được đón bộ đội về “ba cùng” với nhân dân, những gia đình chính sách, gia đình có công, những gia đình neo đơn là ưu tiên hàng đầu đón bộ đội về ở.

Những năm gần đây, điều kiện kinh tế xã hội của đất nước và nhân dân không ngừng được cải thiện. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhân dân Cổ Đô thường xuyên được đón bộ đội về làm công tác dân vận theo chủ trương của Nhà nước và quân đội.

Năm 2022, đang trong giai đoạn phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, một lần nữa, làng Cổ Đô lại vinh dự đón cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 249 Công binh về làm công tác dân vận. Trụ sở Ban Chỉ huy của bộ đội được thôn bố trí tại Nhà Văn hóa thôn khi vừa mới được xây dựng khang trang. Các cán bộ lữ đoàn như anh Kiên - Phó Chủ nhiệm chính trị, anh Hùng - Chính trị viên Tiểu đoàn... đã có chương trình cụ thể với thôn, đến với từng gia đình có bộ đội ăn ở, từng xóm ngõ nơi bộ đội đóng quân để phối hợp tham gia tổng vệ sinh, trồng cây xanh, trồng hoa tại các khu công cộng, các trục đường chính vào cổng làng, vào khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh... ở bất cứ nơi nào dấu ấn bộ đội về làng đều được nhân dân ghi nhận.

t4.png

Tại xóm Đình Xuôi, gia đình cô Nhạn nói với chúng tôi, 15 ngày có bộ đội về với các gia đình trong xóm là 15 ngày vui, cứ khoảng hơn 5 giờ sáng đã nghe tiếng chổi quét nhà quét đường, tiếng cuốc xẻng nạo vét cống rãnh và bóng những bộ quân phục xanh đã trở nên thân thuộc với bà con nông dân. Tối tối các chú bộ đội lại tỏa ra các gia đình thăm hỏi các cụ già ốm đau, các gia đình neo đơn, hỗ trợ các cháu học sinh học bài... Ấn tượng bộ đội về làng được dân ghi nhận.

Tháng 7/2024, nhân tháng kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, Tiểu đoàn 1 của Lữ đoàn 249 một lần nữa về với nhân dân Cổ Đô. Anh Tuyên - Chính trị viên Tiểu đoàn cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã phối hợp với Bệnh viện đa khoa Ba Vì do Bác sỹ, Phó Giám đốc Nguyễn Vinh làm Trưởng đoàn cùng các y, bác sỹ... tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các thương bệnh binh, các gia đình chính sách; thăm hỏi tặng quà các gia đình liệt sỹ, các thương binh và chăm sóc Nghĩa trang Liệt sỹ xã.

nhieu-anh-2-.png

Cũng trong dịp này, Lãnh đạo Lữ đoàn 249, các thầy thuốc cùng địa phương đã đến thăm hỏi một số gia đình chính sách tiêu biểu. Cụ Nguyễn Thị Tịch, 82 tuổi, là vợ Liệt sỹ xúc động khi được đoàn đến thăm tại nhà, khám bệnh và cấp thuốc. Nhận túi thuốc và quà, cụ run run chia sẻ: “Trong chiến tranh có hàng vạn gia đình có người thân hy sinh trong các cuộc kháng chiến mà các anh lại đến được với gia đình tôi như thế này thì thật sự cảm động và biết ơn, tôi và gia đình cảm thấy như đang được chính những người đồng đội của ông nhà tôi đến thăm, an ủi”...

Thế mới biết dù trong chiến tranh hay trong thời bình, lòng dân luôn mong mỏi và dành sự tin yêu, trân trọng với những người lính. Chứng kiến tình cảm thắm thiết mà nhân dân dành cho bộ đội, trong tôi trào dâng niềm tự hào, vinh dự vì tôi cũng là một người lính, đã từng có những năm tháng gác lại hạnh phúc riêng tư để lên đường chiến đấu cho độc lập, hòa bình của Tổ quốc, cho bình yên, hạnh phúc của nhân dân; đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác, ở nhiều nơi. Và giờ đây, khi trở về quê hương, mỗi khi nghĩ về “Bộ đội Cụ Hồ”, tôi luôn tự nhủ phải sống xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân dành tặng. Với suy nghĩ ấy, tôi đã dành tâm huyết, thời gian và công sức cho nhiều hoạt động của thôn, góp phần xây dựng quê hương Cổ Đô ngày càng giàu đẹp.

17n-1-.jpg
Bộ đội Lữ đoàn 249 về Cổ Đô giúp dân. Ảnh: Ngọc Nho

Và cũng như bao người dân, tôi luôn cảm thấy hy vọng, tin tưởng, ấm áp mỗi khi đón bộ đội về làng. Dù trong thời chiến hay thời bình, dù thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng cứ mỗi khi bộ đội về là xóm làng rộn vang tiếng hát tiếng cười, đường làng ngõ xóm xanh sạch hơn, những công trình mới sẽ mọc lên, nhân dân như được gặp lại những người thân đi chiến đấu hay đi làm nhiệm vụ trở về...

Vậy đó, bộ đội thời nào vẫn cứ là bộ đội của dân, vẫn luôn sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, và Nhân dân dù là ai, ở bất cứ vùng quê nào, đều cảm thấy ấm áp yêu thương khi “Bộ đội về làng”.

Xứ Đoài mây trắng, Thu 2024.

cuoi-bai(1).png
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ đội về làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO