Với mức tăng này, giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh tương ứng chia làm 6 bậc. Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.403 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.459 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 1.590 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh. Giá bậc 4 là 1.971 đồng cho 201-300 kWh; bậc 5 có giá 2.231 đồng cho 301-400 kWh; bậc 6 được tính 2.323 đồng cho 401 kWh trở lên.
Mức giá bán lẻ điện này nằm trong khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quyết định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 và theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 mức tăng này do Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh.
Trao đổi với báo chí trong cuộc họp “Điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, quyết định có hiệu lực từ hôm nay, 20/3/2019. Theo đó, giá điện sẽ tăng 8,36%, từ mức 1.720,65 đồng/kWh như hiện nay lên mức 1.864,04 đồng/kWh. Theo ông Tuấn phương án giá điện năm 2019 đã được xây dựng theo các thông số đầu vào để tính toán giá điện và phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Thứ nhất, cơ cấu nguồn điện huy động trong năm 2019, với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 dự kiến khoảng 6,8%, Bộ Công Thương dự báo tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 toàn quốc sẽ đạt 211,9 tỷ kWh.
Thứ hai, các yếu tố đầu vào trong phương án giá điện năm 2019 như giá than nội địa, giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước của một số nhà máy điện, dự báo về giá than nhập khẩu cung cấp cho các nhà máy điện theo dự báo của Ngân hàng thế giới, giá than thế giới năm 2019 giảm khoảng 7,41% so với năm 2018.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác đó là các khoản chi phí còn treo chưa được đưa vào giá điện trong các năm trước (chênh lệch tỷ giá). Mức độ phân bổ sẽ được xem xét được xem xét trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của điều chỉnh giá điện đến đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước cũng đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các ngành nghề sản xuất và các hộ sinh hoạt.
Đánh giá về mức tăng giá điện lần này, trong cuộc họp giao ban báo chí ngày 5/3/2019, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, việc tăng giá điện được tính toán trên cơ sở đảm bảo không ảnh hưởng tới CPI, GDP. Cụ thể, với giá điện tăng 8,36%, theo tính toán của Tổng cục Thống kê thì CPI năm 2019 tăng trong khoảng 3,3-3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.
Các phương án giá điện đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại cuộc họp Thường trực Chính phủ. Theo Quyết định 24 của Thủ tướng, nếu tăng giá điện trong khung 5 - 10% thì Bộ Công Thương là cơ quan có thẩm quyền quyết định, nếu trên 10% thì Thủ tướng quyết định.
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết trong năm 2019, EVN sẽ thu về thêm hơn 20.000 tỉ đồng khi giá điện tăng 8,36%. Số tiền này sẽ được dùng để thanh toán các chi phí đầu vào tăng thêm hằng năm. Trong đó, chi phí cho than là hơn 7.000 tỉ đồng, chi phí chênh lệch tỉ giá khí trong bao tiêu là gần 6.000 tỉ đồng.
Phó tổng giám đốc EVN cũng cho biết đơn vị phải chi hơn 3.800 tỉ đồng trong số thu thêm nêu trên để thanh toán chênh lệch tỉ giá cho các nhà đầu tư không thuộc EVN. "Chúng tôi sẽ bổ sung vào hợp đồng mua bán điện để thanh toán chi phí chênh lệch tỉ giá cho các đơn vị bán điện bên ngoài. Bộ Công Thương sẽ ra quyết định nêu rõ từng nhà máy được thanh toán tiền chênh lệch tỉ giá bao nhiêu"- ông Tri nói.
Ngoài ra, số tiền 20.000 tỉ đồng nêu trên cũng sẽ được trích ra để thanh toán bổ sung cho các nhà đầu tư về quyền khai thác nguồn tài nguyên nước. "EVN phải bổ sung vào hợp đồng mua bán điện để thanh toán cho các nhà đầu tư, đây là quy định mà trước đó chưa có"- ông Tri cho hay. Bên cạnh đó còn có một số chi phí phát sinh khác mà EVN đã tính toán.