Trong nước

Bộ Công an sẽ nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri

Khương Trung 21/11/2023 16:28

(TN&MT) - Tiếp thu các ý kiến thảo luận, ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Bộ Công an sẽ nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật

Chiều 21/11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu các ý kiến thảo luận, ý kiến đánh giá của các đại biểu Quốc hội, theo đó, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung đánh giá tình hình nguyên nhân và những định hướng công tác năm 2024 về tình hình công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ đây là những những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm và chia sẻ, động viên để Chính phủ, các cơ quan tư pháp nói chung và Bộ Công an nói riêng nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri.

211120230853-z4900307200875_424501888799a1b3452777ec87100cac.jpg
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an sẽ nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, tác động sâu sắc đến tình hình trong nước, cùng với những khó khăn tích tụ trong đại dịch COVID - 19 đã làm cho các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật nhiều hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến các địa phương, lực lượng công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai quyết liệt các kế hoạch giải pháp phòng ngừa và đấu tranh và đạt được những kết quả tích cực.

Bộ trưởng Bộ Công an đã điểm lại những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên thảo luận, những vấn đề nổi lên cần quan tâm giải quyết. Bộ trưởng bày tỏ, với khối lượng công việc, các cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2023 rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội thì việc còn những tồn tại, hạn chế cũng là điều khó tránh khỏi. Đồng thời làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế.

Một là, nhóm nguyên nhân thuộc về chủ quan của các cơ quan chức năng như vấn đề triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; các vi phạm trong điều tra, xử lý tội phạm; về phối hợp giữa các cơ quan chức năng; về tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, cá biệt có những trường hợp sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Hai là, những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật, cơ chế chính sách như báo cáo đã nêu. Ba là, những khó khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

211120231133-z4900791679089_c1551666dcf83e433ab7031432b19eb1.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp ngày 21/11

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc nêu trên có những vấn đề có thể khắc phục được ngay nhưng có vấn đề cũng cần phải có thời gian. Do đó, Chính phủ và Bộ Công an tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, trật tự kỷ cương, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc, an toàn cho Nhân dân.

Đánh giá kỹ lưỡng, khách quan về công tác phòng, chống tội phạm

Trước đó, phát biểu tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao các biện pháp phòng, chống đạt được nhiều kết quả tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, những vụ việc nổi lên được xử lý kịp thời, kiềm chế, không để phát sinh phức tạp. Đây là kết quả đáng trân trọng của ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được nhân dân cả nước ấn tượng và ngày càng tín nhiệm và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong xử lý nghiêm, khách quan và dựa trên công lý...

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, có loại hình tội phạm giảm không nhiều, có loại hình tăng; tai nạn giao thông mặc dù có giảm, vụ cháy nổ lại tăng mạnh nhưng mỗi khi có sự những sự cố xảy ra, số người chết và bị thương lại mang tính tập thể.

211120231038-z4900739002141_966749a64944bd4478e60b2070c0c7a2.jpg
Phạm Văn Hoà – Đoàn ĐBQH Đồng Tháp

Theo đại biểu Phạm Văn Hoà – Đoàn ĐBQH Đồng Tháp cho biết, có loại tội phạm phát sinh mới như bắt cóc trẻ em ở nhà trẻ đòi tiền chuộc gây tâm lý lo sợ cho phụ huynh có con em gửi nhà trẻ; tội phạm hoạt động đăng kiểm, đào tạo, sát hạch lái xe; vụ tiếp viên hàng không vận chuyển 11 kg ma túy được giấu trong tuýp kem đánh răng, đây là một hiện tượng rất bất thường. Đại biểu cho rằng, đây là thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực.

Theo đại biểu Phạm Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Tội phạm lừa đảo, chiếm đạt tài sản qua mạng internet, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật, đe dọa yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt vẫn còn diễn biến phức tạp. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, các bộ ngành hữu quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có các giải pháp phù hợp, mạnh mẽ, quyết liệt để khắc phục tình trạng này. Đồng quan điểm với đại biểu Phạm Thị Xuân, Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, đề nghị có thể cần xem xét sửa đổi Luật An ninh mạng để phù hợp với nhiều bước phát triển mới của môi trường mạng xã hội cũng như sự biến tướng của các loại hình tội phạm trên môi trường này.

211120230247-z4901425003108_bf9aebc81f797bb7fd0283924b6d09ca.jpg
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Cho rằng tội phạm ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông -Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận dẫn chứng, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện dịch vụ lưu trú diễn ra ở nhiều địa phương, xuất hiện một số loại ma túy, hình thức núp bóng dưới thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm đã gây tác hại nhiều mặt đến người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên. Từ thực trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần đánh giá và đề ra những giải pháp căn cơ để giải quyết, ngăn chặn loại tội phạm này trong thời gian tới.

Trước diễn biến tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng, phức tạp hiện nay, đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị cần tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng. Trong phòng ngừa tội phạm, cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, quyết liệt phổ biến để người dân hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao, phải làm cho người dân hiểu, cảnh giác, tự bảo vệ mình và tích cực đấu tranh tố giác hành vi vi phạm tội phạm.

Từ những thực tế trên, các đại biểu kiến nghị Chính phủ và các ngành chức năng có đánh giá thật kỹ lưỡng, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, nhất là trong năm nay các vụ việc có số người vi phạm tăng, trong khi các vụ giảm không đáng kể. Đồng thời tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu, nhất là các vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt, tâm lý, tình cảm, cuộc sống bình yên của người dân, giảm thiểu tối đa các vụ án tăng bất thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công an sẽ nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO