Bình Thuận: Tăng cường hiệu quả quản lý đa dạng sinh học
(TN&MT) - Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên là 7.813km2. Phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, phía Tây giáp tỉnh Đồng Nai, phía Nam giáp Bà Rịa - Vũng Tàu, phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông với đường bờ biển dài 192km. Ngoài khơi có huyện đảo Phú Quý cách thành phố Phan Thiết 120km.
Thực hiện Quyết định số 2067/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Kế hoạch của Bộ TNMT thực hiện Đề án; ngày 10/8 vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu chung là thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, vận hành cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học cấp tỉnh nhằm đánh giá hiện trạng, giá trị, diễn biến đa dạng sinh học phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh theo yêu cầu chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả quản lý đa dạng sinh học của tỉnh và hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của tổ chức, doanh nghiệp.
Trong đó được chia làm ba giai đoạn cụ thể; giai đoạn 2022 - 2025: Kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo đa dạng sinh học. Xây dựng hệ thống quan trắc đa dạng sinh học tại các khu vực ưu tiên và vận hành phù hợp với quy hoạch. Trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị phục vụ hoạt động điều tra, kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học.
Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của tỉnh được xây dựng cơ bản hoàn thiện, vận hành trên cơ sở nền tảng quản trị, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường với cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia.
Giai đoạn 2025 - 2030: Có 100% các khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh được thực hiện chương trình kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học theo bộ chỉ tiêu kiểm kê, chỉ thị quan trắc.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực đội ngũ cán bộ được tăng cường, đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo đa dạng sinh học. Hệ thống quan trắc đa dạng sinh học được thiết lập đồng bộ, phù hợp với quy hoạch.
Cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học của tỉnh được nâng cấp, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu thông tin, báo cáo, hoạch định chính sách quản lý bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; kết nối, chia sẻ, cập nhật cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học theo quy định; tổ chức khai thác, cung cấp thông tin, dữ liệu từ kết quả điều tra, kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế xã hội.
Giai đoạn sau 2030: Chương trình kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học tại các khu vực ưu tiên được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật thực hiện kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và vận hành cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học được hoàn thiện, nâng cấp. 100% đội ngũ cán bộ thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo đa dạng sinh học được tăng cường năng lực. Hệ thống quan trắc đa dạng sinh học được vận hành hiệu quả.
Theo đó, phạm vi thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc và lập báo cáo đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên (bao gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Khu bảo tồn biển Hòn Cau,…), các hành lang đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao.
Đối tượng của việc điều tra, kiểm kê, quan trắc nhằm theo dõi, đánh giá, giám sát hiện trạng và biến động đa dạng sinh học được thực hiện cho các đối tượng là các hệ sinh thái (bao gồm: Trên cạn, đất ngập nước, rạn san hô và thảm cỏ biển,...) và loài (bao gồm: Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài đặc hữu, loài bị đe dọa).