Bình Thuận: Quản lý hiệu quả khoáng sản phục vụ phát triển bền vững

Linh Nga| 14/04/2023 16:05

(TN&MT) - Thời gian qua, với sự nỗ lực vào cuộc của các ngành chức năng, tỉnh Bình Thuận đã từng bước đưa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, hiệu quả, tạo nguồn thu cho ngân sách, góp phần giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

a1.ks-binh-thuan.jpg
Một vài trường hợp tự ý khai thác cát trái phép để đắp nền dự án đầu tư xây dựng công trình


Tăng cường phối hợp

Thời gian qua, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản, giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ngoài việc tăng cường triển khai lập quy hoạch, điều tra, thăm dò tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT còn tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ nhu cầu thị trường và các mỏ khoáng sản cung cấp vật liệu san lấp cho công trình đường cao tốc Bắc - Nam và cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo đúng theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, tỉnh Bình Thuận cũng đã thu tổng số tiền cấp quyền và trúng đấu giá khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh là hơn 50 tỷ đồng. Hiện tại, tỉnh Bình Thuận cũng đang xem xét cấp quyền khai thác khoáng sản cho một số doanh nghiệp để san lấp mặt bằng cho một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận phát triển.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 96 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực; trong đó, có 22 mỏ đá xây dựng, 20 mỏ cát xây dựng, 19 mỏ sét gạch ngói và 35 mỏ vật liệu san lấp. Ngoài ra, có 58 mỏ đang hoạt động khai thác, 38 mỏ dừng hoặc chưa khai thác. Hiện tại, tỉnh Bình Thuận có 6 giấy phép khai thác khoáng sản titan vẫn còn hiệu lực với tổng diện tích 2.207 ha; trong đó, có 3 mỏ đang khai thác, 1 mỏ đang bị dừng khai thác, 1 mỏ chưa được triển khai xây dựng cơ bản và 1 mỏ được chủ đầu tư đề nghị trả lại.

Bà Phan Thị Xuân Thu, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết: Để quản lý, bảo vệ các nguồn tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT đã tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về khoáng sản, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng khoáng sản; xây dựng kế hoạch bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản; phục vụ cho nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp; tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

a2.-ks-binyh-thuan(1).jpg
Các mỏ khai thác khoáng sản đã giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương

Siết chặt quản lý

Bà Phan Thị Xuân Thu, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho hay: Bình Thuận là một địa phương có tài nguyên khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn, thời gian qua, nguồn tài nguyên này không những tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của địa phương, góp phần đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng giao thông nông thôn và nhu cầu xây dựng công trình của người dân địa phương, mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn, nhất là ở các vùng nông thôn.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở một số địa phương. Cụ thể, ở nhiều địa bàn, một số người dân đã tự ý đào ao, hồ, san hạ mặt bằng, cải tạo đất nông nghiệp để thu hồi khoáng sản trái phép. Bên cạnh đó, hiện nay, có rất nhiều mỏ đất sét và cát nằm xen kẽ với khu vực đất canh tác của người dân, tuy khu vực này cũng chưa được cấp phép khai thác mỏ, nhưng một số đối tượng đã tự ý mua lại chân ruộng của người dân, rồi thực hiện hành vi khai thác đất sét và cát. Ngoài ra, còn có một số trường hợp tự ý khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình như hút cát lòng sông, cát lòng hồ…

Trước thực trạng đó, để tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái, UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý các trường hợp khai thác trái phép. Đồng thời, yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan phải nâng cao trách nhiệm trong việc ngăn chặn khai thác cát, sỏi trái phép và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của đơn vị, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản, phục vụ giảm nghèo bền vững của địa phương.

Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực khoáng sản đến toàn thể cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, nhằm hạn chế tối đa tình trạng khai thác khoáng sản trái phép gây thất thoát tài nguyên; đồng thời, giúp các hộ dân giữ được đất để sản xuất nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận phối hợp với các địa phương có mỏ khai thác khoáng sản quy định và giám sát các doanh nghiệp phải ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác, chế biến khoáng sản; yêu cầu các doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, phục vụ phát triển bền vững. Ngoài ra, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận cân đối nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Quản lý hiệu quả khoáng sản phục vụ phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO