Môi trường

Bình Thuận: Lên Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến 2025

Đình Du 24/04/2024 - 14:07

(TN&MT) - UBND Bình Thuận vừa có Quyết định số 890/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, đồng thời, giao Sở TN&MT Bình Thuận hướng dẫn các địa phương triển khai và báo cáo định kỳ kết quả thực hiện.

a2.jpg
Người dân thu gom rác ở huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận

Mục đích của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và ý thức tự giác thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn; tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng CTRSH phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp. Qua đó, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, đồng thời, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bình Thuận cũng đã xác định việc phân loại CTRSH tại nguồn là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chất lâu dài và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của mọi tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND các cấp, nhất là cấp cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò then chốt. Cụ thể, mục tiêu trong năm 2024, UBND cấp huyện và UBND cấp xã ban hành chương trình, kế hoạch, mô hình phân loại, thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý, tái chế CTRSH phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn và đội ngũ tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH trên địa bàn; đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định; kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển CTRSH từ cấp huyện đến cấp xã.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận phấn đấu đạt 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sẽ được trang bị các kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn. Tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt 70% và tỷ lệ CTRSH được phân loại ở các xã đạt 30%. Tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%. Tỷ lệ CTRSH nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 80%. Tỷ lệ CTRSH được tái chế đạt trên 70%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 98%.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Thuận, ngoài việc tuyên truyền, UBND cấp huyện cũng phải quy hoạch, xây dựng trạm trung chuyển CTRSH trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng, bố trí các điểm tập kết CTRSH tại các xã, phường, thị trấn; tăng số lượng và đa dạng hóa các đơn vị tham gia thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn.

Đồng thời, các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn phải đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị và phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định; tăng cường thêm nhân lực để đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển CTRSH kịp thời, không để tồn đọng gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường; công khai rộng rãi về địa điểm, tần suất và lộ trình, tuyến thu gom từng nhóm CTRSH sau phân loại đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để biết và chuyển giao theo đúng quy định.

Riêng đối với chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải nguy hại, thì có thể lựa chọn phương án thu gom tại điểm cố định hoặc thu gom tại nhà theo thời gian, thông báo rộng rãi cho người địa phương biết để thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành thành lập các Tổ kiểm tra, giám sát của cấp mình, triển khai việc theo dõi, giám sát công tác phân loại CTRSH tại nguồn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn và công tác thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại đến các điểm tập kết, cơ sở xử lý, tái chế.

Sở TN&MT Bình Thuận được giao hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương trong công tác phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn; xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn đến các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở xử lý/tái chế CTRSH trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Đồng thời, Sở TN&MT Bình Thuận chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các địa phương và các cơ quan, đơn vị xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã phân loại của hộ gia đình, cá nhân để áp dụng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; triển khai xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn của tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh phù hợp với cở sở dữ liệu về môi trường theo Quyết định số 1078/QĐ-UBND ngày 08/6/2023 của UBND tỉnh Bình Thuận...

Theo Bình Thuận: Ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn tại nguồn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Lên Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO