Bình Thuận: Kiến nghị giảm diện tích Quy hoạch ti tan còn 7.730 ha

04/11/2017 00:00

(TN&MT) - Đây là quan điểm của UBND tỉnh Bình Thuận trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về  điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai...

 

(TN&MT) -  Đây là quan điểm của UBND tỉnh Bình Thuận trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về  điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 ( gọi tắt là Quy hoạch titan).

Trên cơ sở những bất cập trong việc thực hiện Quy hoạch ti tan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua, như:  các dự án được chấp thuận đầu tư du lịch, trồng rừng, khu công nghiệp có diện tích chồng lấn với Quy hoạch titan chưa thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Đến nay, việc cấp phép khai thác và khai thác xong bàn giao đất cho Chủ dự án chưa biết cụ thể thời gian đến khi nào nên gây bức xúc cho nhà đầu tư cũng như khó khăn trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương.  

Đồng thời, các dự án thăm dò, khai thác titan theo Quy hoạch phần lớn nằm dọc ven biển, có địa hình cao so với các dự án, khu dân cư xung quanh, chồng lấn dự án, quy hoạch du lịch, an toàn khu vực mỏ không cao khi đi vào hoạt động, dễ xảy ra các sự cố về môi trường.

Nhiều dự án du lịch, trồng rừng, khu công nghiệp  trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chồng lấn với Quy hoạch ti tan
Nhiều dự án du lịch, trồng rừng, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chồng lấn với Quy hoạch ti tan

Vì vậy,  UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung  Quy hoạch ti tan với việc giảm tổng diện tích đưa vào kỳ quy hoạch thăm dò, khai thác titan đến năm 2020 từ  24 khu vực với tổng diện tích 20.843 ha xuống còn 13 khu vực, với tổng diện tíchh 7.730 ha.

Cụ thể, từ  08 vị trí chưa cấp phép thăm dò khoáng sản với diện tích 7.344 ha, tài nguyên dự báo khoảng 46,1 triệu tấn thành 01 vị trí chưa cấp phép thăm dò khai thác với diện tích 1.000 ha khu vực Lương Sơn III; Khu vực này không chồng lấn dự án.

Đối với 10 mỏ đã cấp giấy phép thăm dò với diện tích 9.641 ha, trữ lượng khoảng 80,1 triệu tấn, trong đó đến nay có 05 giấy phép đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia phê duyệt trữ lượng khoáng sản 3,7 triệu tấn thành  06 mỏ đã cấp giấy phép thăm dò với diện tích 4.593 ha, trữ lượng khoảng 38,6 triệu tấn.  

Trong 06 khu vực này có chồng lấn 05 dự án với diện tích 278 ha (gồm 04 dự án điện gió 214 ha (chấp thuận khảo sát) và 01 dự án trồng rừng 64 ha đều của Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Khoáng sản Bình Thuận vừa trồng rừng vừa thăm dò titan).

Đối với 08 mỏ đã cấp giấy phép khai thác với diện tích 2.542 ha, tổng trữ lượng 7,1 triệu tấn, trong đó: 01 giấy phép đã hết hạn, 03 giấy phép chưa đầu tư xây dựng cơ bản mỏ, 04 giấy phép có triển khai nhưng hiện đang tạm dừng khai thác để hoàn tất các thủ tục theo quy định thành 06 mỏ đã cấp giấy phép khai thác với diện tích 2.137 ha, tổng trữ lượng khoảng 5,4 triệu tấn.

Trong 06 khu vực này có chồng lấn 08 dự án với diện tích 542 ha (gồm: 6 du lịch, biệt thự, sân golf 355 ha, 02 trồng rừng 187 ha). Riêng khu vực mỏ Mũi Đá 1 – 224 ha, trữ lượng khoảng 1,5 triệu tấn của Công ty TNHH Khai thác và chế biến Khoáng sản Cát Tường đã cấp giấy phép khai thác cần xem xét các vấn đề liên quan để quyết định khai thác hoặc đưa vào dự trữ để triển khai các dự án khác.

Quan điểm của UBND tỉnh Bình Thuận là khai thác ti tan phải gắn với chế biến sâu
Quan điểm của UBND tỉnh Bình Thuận là khai thác ti tan phải gắn với chế biến sâu

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch ti tan theo hướng này nhằm đảm bảo  việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác titan trong thời gian tới phù hợp với điều kiện thực tế và nguyện vọng của nhân dân địa phương; giảm sự chồng lấn giữa Quy hoạch, dự án titan với các dự án kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận qua đó tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển các dự án nói chung và dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) nói riêng của tỉnh; giảm tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan, nguồn nước, đời sống của người dân... do khai thác mỏ titan.

Các khu vực Quy hoạch titan chưa cấp phép thăm dò hoặc đã được cấp giấy phép thăm dò, khai thác hiện nay sau khi đưa vào dự trữ khoáng sản có thể đầu tư các dự án không ảnh hưởng đến trữ lượng titan bên dưới, dự trữ được nguồn khoáng sản titan để sau này khi khoa học kỹ thuật tiến bộ hơn, công nghệ khai thác, chế biến titan hiện đại hơn cũng như các biện pháp bảo vệ môi trường tốt hơn ... sẽ triển khai việc khai thác, chế biến mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao hơn so với hiện nay.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng, nếu theo hướng điều chỉnh, bổ sung này, các khu vực đã được cấp giấy phép thăm dò, khai thác titan trước đây trong quá trình lập hồ sơ đã được Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản đồng ý triển khai dự án, nhà đầu tư đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức, chi phí để lập các thủ tục, hồ sơ để được cấp phép thăm dò, khai thác. Nay nếu không tiếp tục cho phép tiếp tục triển khai thăm dò, khai thác, cắt trừ diện tích thăm dò, khai thác, đưa ra khỏi Quy hoạch titan hoặc đưa vào dự trữ khoáng sản thì có thể xảy ra khiếu nại, khiếu kiện nếu doanh nghiệp không chấp thuận; trường hợp doanh nghiệp chấp thuận thì Nhà nước cũng phải bỏ ra một khoản kinh phí rất lớn để hoàn trả lại cho doanh nghiệp.

Cũng tại văn bản này, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát tổng quy mô trữ lượng, công suất khai thác của các mỏ đã cấp phép thăm dò, khai thác và hiện trạng đầu tư nhà máy chế biến sâu để quy hoạch phân kỳ cấp phép thăm dò, khai thác hợp lý, đảm bảo nguyên tắc khai thác gắn với chế biến sâu. Trường hợp chưa đầu tư được nhà máy chế biến sâu titan thì kiến nghị cơ quan liên quan tạm dừng cấp phép thăm dò, khai thác.

Linh Nga

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận: Kiến nghị giảm diện tích Quy hoạch ti tan còn 7.730 ha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO