Sự quan tâm tháo gỡ của Trung ương và địa phương
Tham chiếu Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị “Về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Các quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đã đề ra trong Nghị quyết 02-NQ/TW: “… Khoáng sản là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phải được điều tra, thăm dò, đánh giá đúng trữ lượng và có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng hiệu quả, góp phần vào tăng trưởng chung và bền vững của nền kinh tế. Là đại diện chủ sở hữu về khoáng sản, Nhà nước phải thể hiện đầy đủ quyền của chủ sở hữu, nhất là quyền định đoạt đối với khoáng sản khi giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác.
Tài nguyên khoáng sản nước ta đa dạng về chủng loại; một số khoáng sản có tài nguyên, trữ lượng lớn, do vậy cần phải hình thành một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến quy mô công nghiệp với thời gian lâu dài như: dầu khí, than, bô-xít, titan - zircon, đất hiếm, a-pa-tít, đá nguyên liệu xi măng, đá ốp lát, v.v… tuy nhiên, khoáng sản là tài nguyên không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hết sức hợp lý, triệt để tiết kiệm, thật sự có hiệu quả cao.
Việc khai thác tài nguyên khoáng sản phải tính đến nhu cần trước mắt cũng như lâu dài của đất nước, có tính đến xu hướng tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực sử dụng công nghệ mới và vật liệu thay thế.
Nhanh chóng đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề, từng bước làm chủ việc thăm dò và khai thác, chế biến khoáng sản, đầu tư thêm thiết bị và công nghệ tiên tiến cho công tác địa chất, khai khoáng và chế biến khoáng sản.
Phát triển công nghiệp khai khoáng phải đi đôi với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử, văn hoá; bảo đảm hài hoà lợi ích thu được từ khai thác và chế biến khoáng sản giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến…”.
Tại Nghị quyết này cũng đã nhấn mạnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản: “… Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoáng sản. Rà soát các quy hoạch đã được phê duyệt, xây dựng, phê duyệt quy hoạch khoáng sản để định hướng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, bảo đảm sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; sớm hoàn thiện và công bố công khai các quy hoạch khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Điều chỉnh việc phân công quản lý nhà nước về khoáng sản theo nguyên tắc một việc chỉ phân công cho một cơ quan chủ trì thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản từ trung ương đến địa phương; nâng cao vị thế, năng lực cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản.
Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản các cấp. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ quan thanh tra chuyên ngành khoáng sản. Nghiên cứu áp dụng mô hình thanh tra khu vực nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả của thanh tra chuyên ngành khoáng sản.
Rà soát và chấn chỉnh việc phân cấp, cấp phép khai thác khoáng sản hiện nay, khắc phục tình trạng sơ hở, gây thất thoát tài nguyên, nhiều tiêu cực trong lĩnh vực này…”.
Trên tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị và Luật Khoáng sản năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số: 103/NQ-CP ngày 22/12/2011 có nội dung nhấn mạnh: “… Khuyến khích, ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực: Điều tra, thăm dò khoáng sản ẩn sâu, khoáng sản biển; khai thác, chế biến các khoáng sản quan trọng. Triển khai chương trình nghiên cứu: Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng…”.
Tại Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 25/10/2016 của Tỉnh ủy Bình Thuận và Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 12/12/2016 của HĐND tỉnh Bình Thuận đã định hướng về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 cũng đã đồng thuận: “… Tạo điều kiện thuận lợi và tích cực đôn đốc triển khai các dự án năng lượng, các dự án khai thác chế biến sâu quặng sa khoáng Titan để Bình Thuận sớm trở thành trung tâm năng lượng mang tầm Quốc gia và từng bước hình thành trung tâm chế biến sâu quặng sa khoáng Titan, gắn chặt với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên… Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để làm tốt công tác xúc tiến thu hút những nhà đầu tư thật sự có kinh nghiệm, có năng lực đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, khai thác - chế biến sa khoáng Titan. Không sử dụng nước mặn, hạn chế tối đa sử dụng nước ngầm để tuyển tách quặng sa khoáng Titan.
Thường xuyên rà soát và tập trung chỉ đạo, hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất để đẩy nhanh tiến độ triển khai và thu hút các dự án đầu tư sản xuất điện, chế biến sâu sa khoáng Titan, công trình năng lượng. Kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương rà soát những vướng mắc, bất cập để điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030 nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án chế biến sâu sa khoáng Titan trên địa bàn tỉnh… Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế và chính sách của tỉnh, phát huy tích cực vai trò của các Sở, ngành chức năng và các địa phương trong hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Ưu tiên khuyến khích các nhà đầu tư có nguồn lực mạnh, đầu tư các dự án lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh…”.
Ngày 28/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký QĐ số 2532/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030: “… Gắn khai thác với chế biến sâu theo kế hoạch, lộ trình phù hợp, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo vệ môi trường… Thăm dò, khai thác quy mô lớn nguyên liệu quặng Titan - Zircon tập trung tại khu vực Lương Sơn - Bắc Bình để cung cấp cho các dự án nhà máy chế biến sâu tại khu vực. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy chế biến sâu quặng Titan (Rutil nhân tạo, Pigmen, Titan xốp, Titan kim loại) theo hướng công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường. Hình thành ngành công nghiệp khai khoáng Titan - Zircon tương xứng với tiềm năng tài nguyên. Từng bước xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm năng lượng và Trung tâm chế biến sa khoáng Titan lớn của cả nước… Thực hiện cơ chế đấu thầu quyền thăm dò và khai thác các loại khoáng sản, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất đối với các dự án phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo sử dụng khoáng sản, đất đai, tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả và bền vững”.
Thông qua những định hướng của Trung ương và đề xuất của địa phương, Bình Thuận đang tạo điều kiện cho những doanh nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm tổ chức, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực khai khoáng Titan để chủ động trong việc đầu tư thăm dò nhằm mục đích khai thác và chế biến sâu quặng sa khoáng Titan đạt hiệu quả tối ưu theo xu hướng thân thiện với môi trường.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin./.