Bình Thuận cần đẩy nhanh tiến độ cấp phép mỏ đáp ứng vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

Linh Nga| 15/04/2021 15:50

(TN&MT) - Đó là chỉ đạo của ông Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu đất đắp phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Một đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết qua địa bàn huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đang thi công cầm chừng vì thiếu đất đắp nền đường

Nguy cơ chậm tiến độ do thiếu vật liệu đắp nền

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua Bình Thuận được khởi công từ ngày 30/9/2020 gồm có 2 dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, có tổng chiều dài hơn 148km. Trong đó, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8km do Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải ) - đại diện chủ đầu tư; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 47,67km do Ban Quản lý Dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) - đại diện chủ đầu tư. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có thời gian thi công gấp rút nên áp lực về tiến độ rất lớn.Theo kế hoạch, 2 dự án cao tốc này sẽ được hoàn thành trong thời gian 24 tháng.

Tuy nhiên, đến nay đã hơn 6 tháng từ ngày khởi công, tiến độ triển khai 2 dự án cao tốc này đang chậm so với kế hoạch đề ra, các nhà thầu đang thi công cầm chừng và nhiều khả năng đối mặt nguy cơ “vỡ” kế hoạch bởi vấn đề thiếu vật liệu đắp đất nền đường. Theo báo cáo của các chủ đầu tư, tổng nhu cầu vật liệu đất đắp của dự án là 11,7 triệu m³, trong đó đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 9,2 triệu m³, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là 2,5 triệu m3. Trong khi đó, khả năng của các mỏ hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu.

Ông Hoàng Tuấn Khoát - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 7 cho biết, đối với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, khối lượng vật liệu đủ điều kiện cung cấp khoảng 4.03 triệu m3, gồm 18 mỏ và còn thiếu 5.17 triệu m3. Nếu tính luôn trữ lượng của các mỏ đang làm thủ tục cấp phép là 6 mỏ có công suất khoảng 4,54 triệu m3 thì vẫn còn thiếu 0,6 triệu m3.

Cũng theo ông Khoát, nhu cầu vật liệu đất đắp tập trung trong giai đoạn rất ngắn, từ nay đến khoảng tháng 10/2021 để hoàn thiện nền đường. Với nhu cầu phải cần có 9,2 triệu khối đất đắp, bình quân một tháng phải cần từ 1-2 triệu m3, với thực trạng các mỏ vật liệu đất đắp như hiện hữu không thể đáp ứng khi dự án triển khai đồng loạt.

Còn ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Thăng Long cho biết, đối với đoạn Phan Thiết - Dầu Giây qua tỉnh Bình Thuận có 12 mỏ cung cấp vật liệu đắp đất xung quanh dự án, trong đó có 4 mỏ đang khai thác, 2 mỏ có giấy phép nhưng chưa khai thác, 6 mỏ đã trúng đấu giá nhưng chưa có giấy phép khai thác.

Tuy nhiên, theo ông Huấn, hiện chỉ có 2 mỏ với trữ lượng đất khoảng 800 nghìn m3 là đạt yêu cầu kỹ thuật của dự án, khối lượng còn lại là đất lẫn đá và đá phong hóa không sử dụng được theo tiêu chuẩn của dự án. Đến nay, nhà thầu Gói thầu số 1-XL đã ký hợp đồng nguyên tắc với 3 mỏ với trữ lượng 389.942 m3 đất đắp; còn lại nhà thầu số 2-XL chưa ký hợp đồng với mỏ nào. “Rõ ràng, khả năng cung cấp vật liệu đắp nền của các mỏ đủ điều kiện khai thác hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu đang rất cấp bách của công trình cao tốc” - ông Huấn cho biết thêm.

Theo kế hoạch, hạng mục đắp đất nền tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận phải hoàn thành trong tháng 10/2021

Rút ngắn tối đa thời gian cấp phép khai thác mỏ

Mặc dù nguy cơ chậm tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa phận tỉnh Bình Thuận đang hiện hữu, đại diện các chủ đầu tư vẫn cam kết chỉ sử dụng nguồn vật liệu có nguồn từ các mỏ hợp pháp cung cấp, không chấp nhận nhà thầu sử dụng nguồn vật liệu không có đủ điều kiện pháp lý hoặc mua trôi nổi từ các nguồn không hợp pháp.

Vì vậy, để giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu, đảm bảo tiến độ, đặc biệt là tận dụng thời điểm “vàng” của mùa khô, các chủ đầu tư đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận sớm giải quyết cấp phép mở rộng và nâng công suất các mỏ đang khai thác; đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác đối với các mỏ đã đấu giá cấp quyền khai thác; sớm triển khai các thủ tục đấu giá đưa vào khai thác đối với các mỏ trong quy hoạch.

Ông Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo việc đẩy nhanh thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ để đáp ứng vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo các sở ngành, nhà thầu và chủ mỏ, ông Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã khẳng định, về cơ bản nguồn vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công cao tốc tuyến qua địa bàn tỉnh không thiếu, có thể giải quyết được nếu có sự phối hợp và quyết tâm cao của tất cả các bên liên quan. Theo đó, ông Lê Tuấn Phong đề nghị 2 Ban Quản lý Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo phối hợp cùng Sở, ngành có liên quan làm việc với các chủ mỏ xác định chính thức mỏ nào cần nâng công suất, quy mô cần lấy, mỏ nào cần đề xuất đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao các Sở ngành, trực tiếp là Tổ công tác liên ngành trước ngày 20/4 phải có văn bản báo cáo UBND tỉnh về số lượng, danh sách các mỏ cần nâng công suất khai thác, các mỏ đã trúng đấu giá cần đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác. Đồng thời, Tổ công tác liên ngành phải tập trung hướng dẫn các chủ mỏ thực hiện hoàn tất các thủ tục theo quy định về trình tự thủ tục xin nâng công suất, nâng quy mô và xin cấp phép khai thác đối với các mỏ đã trúng đấu giá.

Ông Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các Sở ngành phải giải quyết các thủ tục trên tinh thần “gấp rút”, các khâu có thể cùng triển khai một lúc, nhưng quy trình phê duyệt các khâu phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Theo đó, trong quý 2/2021 phải xong tất cả các giấy phép mở rộng, nâng công suất mỏ và giấy phép khai thác mỏ mới để các mỏ có thể khai thác và cung cấp vật liệu cho công trình cao tốc trong quý 3/2021. “Đây là cơ hội "vàng" để đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ bởi theo quy trình cấp phép chung thì không thể nhanh như vậy. Đây cũng là nhiệm vụ của tất cả các bên từ cơ quan quản lý nhà nước, các chủ mỏ và nhà thầu thi công cao tốc” - ông Lê Tuấn Phong nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thái - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết, theo quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 thì tổng thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép mỏ là 240 ngày. Tuy vậy, trong thời gian qua, Sở TN&MT đã chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ công cắt giảm xuống còn 150 ngày. Nay, để phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho dự án cao tốc, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận thành lập Tổ công tác liên ngành để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Thuận cần đẩy nhanh tiến độ cấp phép mỏ đáp ứng vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO