(TN&MT) - Bình Phước là một trong những tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ có trữ lượng khoáng sản khá phong phú, đa dạng chủng loại như đất sét, đất san lấp, cát, đá… Để đảm bảo nguồn khoáng sản được khai thác đúng quy định và giúp phát triển kinh tế ổn định, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, xử lý sai phạm, lập lại trật tự khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Nhiều sai phạm liên quan
Trước nhu cầu sử dụng nguồn khoáng sản ngày một lớn, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản xuất hiện ở khá nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Cụ thể, tại huyện Bù Đốp (giai đoạn 2020 - 2022), UBND huyện Bù Đốp đã xử phạt 20 tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường với số tiền hơn 300 triệu đồng. Trong đó, các lỗi vi phạm đều do san lấp chưa đúng quy định, chưa có chỉ tiêu giao chuyển mục đích sử dụng đất, một số cá nhân, tổ chức vi phạm chưa khắc phục tình trạng ban đầu. Đơn vị chưa thực hiện tốt việc kiểm tra sau khi xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Kết luận của Thanh tra tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2020 - 2022, UBND TX. Phước Long đã xử phạt 5 cá nhân với số tiền hơn 50 triệu đồng. Trong giai đoạn này, UBND huyện Bù Đăng đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản 19 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 784 triệu đồng.
Thống kê của Sở TN&MT Bình Phước cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 45 mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác còn hiệu lực, trong đó, 8 mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT, 37 mỏ còn lại do tỉnh cấp. Nhằm bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản, tỉnh Bình Phước chú trọng ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác, chế biến, trong đó, kiên quyết sàng lọc, loại trừ các dự án công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, các mỏ khoáng sản đang khai thác bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường.
Kiên quyết xử lý, khắc phục
Trước những vi phạm về khai thác khoáng sản thời gian qua, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các địa phương để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kiểm điểm tổ chức, cá nhân liên quan đến các sai sót mà Đoàn Thanh tra đã chỉ ra; tăng cường thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản trên địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, yêu cầu Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, chấn chỉnh hoạt động đấu giá trên địa bàn; đề xuất biện pháp xử lý những tồn tại, hạn chế của các cơ quan, tổ chức đã nêu ở kết luận thanh tra.
Theo Sở TN&MT Bình Phước, mặc dù công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản không ngừng được tăng cường nhưng trên địa bàn còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, chủ yếu là đá xây dựng, vật liệu san lấp và sét gạch ngói làm thất thu ngân sách Nhà nước. Đối với 35 doanh nghiệp được tỉnh Bình Phước cấp phép hoạt động trong năm 2022, Sở TN&MT đã phát hiện một số vi phạm. Sau kiểm tra, đã xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản 22 đơn vị với số tiền gần 1,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản thông thường trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn cao hơn rất nhiều, nhất là trong hoạt động khai thác đất sét, đất san lấp, cát. Trước nhu cầu khoáng sản ngày càng cao trong khi nguồn khoáng sản ngày càng khan hiếm, lực lượng làm công tác quản lý mỏng, một số đối tượng đã lợi dụng những địa bàn xa, vắng, giáp ranh để khai thác trái phép... UBND tỉnh Bình Phước tổng rà soát lại thực trạng khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, tổng kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở khai thác, chế biến để có giải pháp kiểm soát hiệu quả hơn, triệt để chấm dứt tình trạng khai thác trái phép làm thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng môi trường.