Bình Giang (Hải Dương):  Chính quyền xã “lạm quyền” tỉnh bán tài sản trái pháp luật?

09/04/2019 18:07

Tháng 10/2001, xã Nhân Quyền đã tiến hành làm bản Hợp đồng hết sức “kỳ lạ” Hợp đồng thanh lý “Tài sản nhà và đất khu Trạm xá cũ Nhân Quyền” được ký kết giữa hai bên. Bên thanh lý, đại diện UBND xã gồm có: Ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND xã; ông Đào Đức Đoan, Kế toán ngân sách UBND xã. Đại diện bên mua thanh lý tài sản nhà và đất: Bà Trần Thị Pha (vợ ông Vũ Xuân Bằng) thôn Hòa Loan, xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang (Hải Dương).

(TN&MT) – Từ việc giải quyết của UBND xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang (Hải Dương) giữa gia đình ông Bùi Thế Sáng, tố cáo ông Vũ Xuân Bằng (vợ Trần Thị Pha) thị tứ Hòa Loan. Phóng viên đã tiếp cận với các văn bản, cho thấy năm 2001, xã Nhân Quyền đã “tự ý” làm bản Hợp đồng “kỳ lạ” thanh lý tài sản công, đất đai.
Không những vậy, để bán được tài sản, đất của Trạm y tế, xã Nhân Quyền đã cắt hẳn một lô đất nằm trong quy hoạch thị tứ Hòa Loan để làm đường đi. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Số tiền, xã Nhân Quyền bán Trạm y tế và lô đất đường đi, có được nộp vào ngân sách hay không? Xã có phá vỡ quy hoạch thị tứ Hòa Loan, không được phép thanh lý tài sản công, nhưng sao UBND huyện Bình Giang vẫn cấp Giấy chứng nhận QSDĐ?

1
Trạm y tế cũ xã Nhân Quyền được thanh lý cho gia đình bà Trần Thị Pha.
2
Xã Nhân Quyền đã “tự ý” ra Quyết định thành lập Ban thanh lý tài sản.

 

Trong đó nội dung thỏa thuận, được ghi rõ: “… Điều 1: UBND xã Nhân Quyền bằng văn bản này, cùng với những cam kết dưới đây nhất trí bán cho hộ ông, bà: Trần Thị Pha khu nhà Trạm y tế xã Nhân Quyền tại thị tứ Hòa Loan, xã Nhân Quyền, gồm: Nhà chính, nhà phụ và tài sản khác có trên đất và diện tích đất là 1.079m2. Trong đó: Diện tích tính vào đất ở là: 300m2, diện tích còn lại tính vào đất vườn thừa: 779m2. Đất bà Pha được sử dụng làm đường đi, chiều dài mặt đường rộng 5m (Tây giáp đất ông Bùi Thế Sáng, Đông giáp đất ông Vũ Xuân Bằng). Diện tích đường đi 155m2, trong đó hành lang đường điện cao thế và rãnh thoát nước là 30m2. Tổng diện tích giao cho bà Pha sử dụng hợp pháp là 1.204m2 (giá trị thanh lý hợp đồng 80 triệu đồng). Xã Nhân Quyền ghi rõ, quyền và nghĩa vụ của bên thanh lý: Giao nhà, đất đúng hiện trạng hiện có, đúng thời gian quy định và hoàn chỉnh hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo luật định. Quyền nghĩa vụ của bên nhận: Được nhận nhà, đất theo tình trạng đã quy định trong hợp đồng và được làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ theo luật định, trả tiền đủ theo hợp đồng. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy định của thị tứ, không gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại đến quyền lợi của người sử dụng đất liền kề…”.

3
Biên lai thu tiền của xã Nhân Quyền đều ghi (Ngoài biên lai thu của ngành thuế).
4

 

 

Cũng trong thời điểm tháng 10/2001, UBND xã Nhân đã ra Quyết định số 22.QĐ/UB về việc: Thành lập Ban thanh lý tài sản nhà, đất Trạm y tế xã Nhân Quyền. Thành phần Ban thanh lý, gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã; Kế toán, Thủ quỹ và Trạm trưởng Y tế xã Nhân Quyền.

Trong hai lần, xã Nhân Quyền thu tiền “ Thanh lý tài sản nhà và đất khu Trạm y tế cũ Nhân Quyền” đối với hộ gia đình bà Trần Thị Pha (lần1: 10 triệu đồng và lần 2: 70 triệu đồng) trong Biên lai thu đều ghi (Ngoài biên lai thu của ngành thuế) khiến dư luận hoài nghi, vì sao Biên lai thu tiền, xã Nhân Quyền lại ghi dòng chữ này, nhằm mục đích gì?

5
Bản hợp đồng “kỳ lạ” xã Nhân quyền thanh lý nhà, đất cho gia đình bà Trần Thị Pha.

 

6

Từ hợp đồng trên, UBND xã và hộ gia đình bà Trần Thị Pha (ông Vũ Xuân Bằng) lập hồ sơ, thủ tục đề nghị UBND huyện Bình Giang xem xét cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với thửa đất trên. Ngày 19/5/2003, UBND huyện Bình Giang đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số 168/QSDĐ/NQBG mang tên ông Vũ Văn Bằng và bà Trần Thị Pha tại thửa đất số 91, tờ bản đồ 06. Trong đó, có 200m2 diện tích đất ở và 879m2 đất vườn thừa hợp pháp. Phần diện tích 155m2 làm đường đi vào thửa đất 91 không được cấp Giấy chứng nhận nằm kẹp giữa lô đất số 28 của gia đình ông Sáng và lô 34 thuộc sở hữu của ông Vũ Xuân Bằng. Tuy nhiên, theo ông Bằng, nội dung sổ đỏ trên có sai sót về chữ đệm của ông, sơ đồ thửa đất được giao làm đất ở không kẻ đường đi, phần diện tích thiếu 125m2, sai diện tích vào đất ở từ 300m2 xuống 200m2 và diện tích đất vườn tăng, nên ông đã yêu cầu được cấp lại Giấy chứng nhận QSDĐ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm năm 2001 thì UBND cấp xã hoàn toàn không có quyền bán, thanh lý lý tài sản là đất đai, nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất đai của trạm y tế xã. Mà thẩm quyền bán, thanh lý loại tài sản này thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Cụ thể: Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 14/1998/NĐ-CP về quản lý tài sản nhà nước ban hành ngày 06/03/1998 quy định:  “Điều 14: Thu hồi tài sản nhà nước khu vực hành chính sự nghiệp:

1. Tài sản nhà nước bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Đơn vị được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước không còn nhu cầu sử dụng hoặc giảm nhu cầu sử dụng do sáp nhập, hợp nhất, thay đổi chức năng, nhiệm vụ và các nguyên nhân khác;

b) Tài sản nhà nước thừa so với tiêu chuẩn, định mức được phép sử dụng.

2. Thẩm quyền thu hồi tài sản nhà nước:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi đất đai, nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất đai; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thu hồi các tài sản còn lại do các Bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương quản lý;

b) Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đai, nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất đai và phương tiện vận tải; Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá quyết định thu hồi các tài sản còn lại do địa phương quản lý.”

Sau đó Bộ tài chính ban hành Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 hướng dẫn Nghị định số 14/1998/NĐ-CP về việc ban hành quy chế quản lý việc xử lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp. Điều 6 của Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC quy định: “Điều 6. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Chủ tịch UBND cấp tỉnh) quyết định xử lý thu hồi, điều chuyển, thanh lý các tài sản nhà nước là nhà thuộc trụ sở làm việc, các công trình xây dựng gắn liền với đất và phương tiện đi lại của các cơ quan HCSN do địa phương quản lý.”

Cũng theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 14/1998/NĐ-CP đối với đơn vị hành chính sự nghiệp tại địa phương được giao trực tiếp sử dụng tài sản nhà nước là đất đai, nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất đai không còn nhu cầu sử dụng hoặc giảm nhu cầu sử dụng thì phải báo cáo với UBND cấp huyện. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) sẽ đưa các thông tin này vào báo cáo định kỳ hàng năm hoặc báo cáo đột xuất về tài sản nhà nước để báo cáo tài sản của cơ quan, đơn vị mình với Sở Tài chính - Vật giá (thời điểm đó). Sở Tài chính - Vật giá tổng hợp báo cáo tài sản do địa phương quản lý với ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đồng gửi báo cáo Bộ Tài chính. Căn cứ vào đó UBND cấp tỉnh sẽ ra quyết định thu hồi, thanh lý đối với từng loại tài sản tương ứng. Vì vậy đối chiếu với quy định trên đất đai, nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất đai giao cho trạm y tế xã quản lý sử dụng khi không còn nhu cầu sử dụng hoặc giảm nhu cầu sử dụng thì chỉ có UBND cấp tỉnh mới có quyền thu hồi, điều chuyển, thanh lý.

Quy định là vậy, thế nhưng UBND xã Nhân Quyền đã “thay quyền” Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, thành lập Hội đồng thanh lý tài sản, không những vậy mà còn để lại một lô đất (đã được quy hoạch thị tứ Hòa Loan) để bán?.  Không biết dựa trên cơ sở nào, UBND huyện Bình Giang lại cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, trên việc làm sai phạm “nghiêm trọng” của xã Nhân Quyền?

Để làm rõ sự việc, những hoài nghi của dư luận… phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Bình Giang, tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Giang (Hải Dương):  Chính quyền xã “lạm quyền” tỉnh bán tài sản trái pháp luật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO