Bình Dương: Tăng cường bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác

12/04/2018 16:50

(TN&MT) - Nhằm bảo vệ tốt nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, khắc phục những tồn tại, hạn chế và chấn chỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản…; UBND tỉnh Bình Dương vừa ra Quyết định số 878/QĐ-UBND về việc ban hành Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

KS 1
Ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu của Phương án làm nhằm thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; quản lý chặt chẽ, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; bảo vệ cảnh quan, môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương tại khu vực có khoáng sản.

Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật; xây dựng cơ chế phối hợp trong bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác với địa phương liên quan ở khu vực giáp ranh để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản…

Về tiềm năng khoáng sản, đến nay, toàn bộ diện tích tỉnh Bình Dương đã được điều tra, lập bản đồ địa chất và khoáng sản các tỷ lệ 1:200.000; phần lớn diện tích đã được đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000 . Tuy nhiên, mức độ điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản và thăm dò khoáng sản còn thấp. Dự tính tiềm năng khoáng sản chính của tỉnh đến năm 2017: Đá xây dựng 264,257 triệu m3; sét gạch ngói 31,657 triệu m3; cát xây dựng 10,2 triệu m3.

Một phần Khoáng sản chưa khai thác đã được điều tra, đánh giá và khoanh định là các khu vực dự trữ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được thể hiện trong Quy hoạch khoáng sản của tỉnh để đảm bảo không bố trí các dự án khác chồng lấn, gây lãng phí khoáng sản. Các khu vực dự trữ khoáng sản, tài nguyên được dự báo: Đá xây dựng 707 triệu m3; sét gạch ngói 92,40 triệu m3…  

Về tình hình quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn khai thác khoáng sản không phép trong thời gian qua được UBND các huyện, thị, thành phố của Bình Dương quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là những địa phương có tiềm năng về khoáng sản như: Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và thị xã Tân Uyên.

Trước tình hình khai thác cát không phép có chiều hướng gia tăng và phức tạp, UBND tỉnh Bình Dương đã có Văn bản số 3440/UBND-KTN ngày 11/11/2013 chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát. Trong đó, chính quyền địa phương đóng vai trò chính trong việc ngăn chặn và xử lý việc khai thác, kinh doanh cát trái phép…

Để công tác phối hợp quản lý về tài nguyên nước, khoáng sản và môi trường có tính liên kết vùng, có sự thống nhất cao, đồng bộ và đạt hiệu quả cao; UBND các tỉnh, thành phố trong lưu vực sông Đồng Nai gồm: TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bình Phước, đã ký Quy chế số 37 ngày 06/01/2017 về “Phối hợp quản lý Nhà nước trong hoạt động tài nguyên nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường các vùng giáp ranh”.

KS 2
Ảnh minh họa

Nội dung của Phương án cũng xác định đối tượng cần bảo vệ là khoáng sản chưa khai thác, kể cả khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã đóng cửa. Về trách nhiệm chung của việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng; không được tự ý khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn khi trình phê duyệt quy hoạch phải trình kèm theo ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép.

UBND cấp huyện, cấp xã nào để hoạt động khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn quản lý; gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương thì phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hoạt động khoáng sản trái phép; thỏa thuận, cho phép các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật phải xử lý, kỷ luật.

Về cơ chế phối hợp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác khu vực giáp ranh, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã giáp ranh giữa các huyện trong và ngoài tỉnh, giữa các xã trong và ngoài huyện phải có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin trong trường hợp phát hiện hoạt động khoáng sản trái phép; phối hợp, tổ chức lực lượng trong công tác ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép khi có đề nghị của địa phương giáp ranh.

UBND các huyện, thị xã. thành phố của Bình Dương xây dựng cụ thể Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với địa phương liên quan ở khu vực giáp ranh. Trong đó, quy định rõ phương thức phối hợp, cơ quan thường trực là đầu mối chịu trách nhiệm liên hệ, cung cấp thông tin trong công tác phối hợp, triển khai cụ thể chương trình phối hợp đến UBND cấp xã.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương là cơ quan trường trực tham mưu UBND tỉnh Bình Dương các vấn đề liên quan đến cung cấp thông tin và phối hợp trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với các cơ quan đồng cấp của tỉnh giáp ranh; theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tổng kết, đánh giá công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Tăng cường bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO