Môi trường

Bình Dương: Chú trọng phát triển theo hướng xanh, bền vững

Tường Tú 21/11/2023 - 12:29

(TN&MT) - Tỉnh Bình Dương đã và đang chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh và bền vững của địa phương.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ

Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã quan tâm và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong ứng phó BĐKH và bảo vệ môi trường. Cụ thể, Bình Dương đã thực hiện 15 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp ngành về ứng phó BĐKH, tài nguyên nước, năng lượng tái tạo, tái chế chất thải và bảo vệ môi trường; xây dựng và đưa vào hoạt động ổn định hệ thống quan trắc nước mặt, nước dưới đất, nước thải và khí thải tự động, trạm thủy văn, hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động; góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, diễn biến chất lượng thành phần môi trường, khí tượng thủy văn và kiểm soát các nguồn thải.

5a.jpg
Bình Dương chủ động phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững.

Hiện nay, hệ thống quan trắc tự động của tỉnh Bình Dương có 4 trạm quan trắc nước mặt; 55 trạm quan trắc nước dưới đất; 2 trạm thủy văn; 109 trạm quan trắc nước thải tự động; 38 trạm quan trắc khí thải tự động; kiểm soát được hơn 85% lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bình Dương còn đầu tư lắp đặt các hệ thống điện năng lượng mặt trời trong công nghiệp và dân sinh; đầu tư hệ thống thu hồi khí biogas từ các ô chôn lấp rác thải để chạy máy phát điện và các lò đốt chất thải để thu hồi năng lượng chạy máy phát điện của Khu xử lý chất thải Nam Bình Dương.

Để xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH, Bình Dương đã có Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường đến năm 2020, hiện đang được điều chỉnh đưa vào Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt, xây dựng và vận hành 3 trạm thủy văn hạng 3 trên sông: Đồng Nai, Thị Tính và Sài Gòn. Tỉnh còn ban hành Phương án phòng, tránh, ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan, ban ngành đã xây dựng quy chế hoạt động, nhằm phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH.

Tỉnh Bình Dương cũng đã triển khai thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ khí nhà kính theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho 157 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; rà soát thống kê cập nhật thông tin doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm kê khí nhà kính để báo cáo Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ cập nhật danh mục theo quy định. Riêng đối với lĩnh vực tài nguyên nước, hiện tỉnh đang xây dựng các phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hàng năm, căn cứ vào các chương trình, quy hoạch và kế hoạch, tỉnh Bình Dương cũng đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Nhà nước, vốn vay ODA và vốn của doanh nghiệp để thực hiện các chương trình, đề án đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm về ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương đã được Bộ TN&MT chọn tham gia dự án "Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và hóa chất nguy hại (PTS) tại Việt Nam"; dự án "Quản lý môi trường lưu vực sông của Jica"; dự án "Phân loại chất thải rắn tại nguồn do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ"... Thông qua các dự án này, đã đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH trên địa bàn.

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững

Mặc dù ngành công nghiệp chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, nhưng tỉnh Bình Dương ưu tiên tập trung phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, hạn chế đầu tư bên ngoài khu/cụm công nghiệp; đồng thời, Bình Dương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư tái chế, tái sử dụng chất thải, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao... Qua đó, giúp cho kinh tế của tỉnh Bình Dương phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Với sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực của Cơ quan quản lý nhà nước, một số khu dân cư và khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bình Dương đã điều chỉnh lại quy hoạch, đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo lại hạ tầng kỹ thuật và áp dụng các giải pháp kỹ thuật chuyển đổi sang khu dân cư, KCN thân thiện với môi trường. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 khu dân cư, 1 khu đô thị và 3 KCN đáp ứng được các tiêu chí khu dân cư, KCN thân thiện với môi trường.

Hiện nay, xây dựng những KCN sinh thái, KCN xanh, là một trong những nội dung của Phương án bảo vệ môi trường được nghiên cứu, triển khai để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để duy trì lợi thế cạnh tranh về công nghiệp cho tỉnh. Hiện tại, tỉnh Bình Dương cũng đang xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình xây dựng, các phương án của Quy hoạch đều được xem xét và lồng ghép các mục tiêu của ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; đồng thời, ban hành Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023 - 2030; tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kiến thức về BĐKH và các giải pháp ứng phó BĐKH cho cán bộ các ngành, các cấp, địa phương; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức và năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế, phát huy trách nhiệm và huy động các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó BĐKH.

Tỉnh Bình Dương tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước về tài nguyên và môi trường các cấp; nâng cao chất lượng nhân lực cho công tác ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu và Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Dương: Chú trọng phát triển theo hướng xanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO