Suối nước nóng Hội Vân là địa danh được biết đến bởi cảnh đẹp tự nhiên và có giá trị trong việc điều dưỡng, chữa bệnh thấp khớp, tim mạch và các bệnh ngoài da. Chính vì vậy, nơi đây đang thu hút khách du lịch đổ về tắm nước khoáng nóng. Nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên ở suối Hội Vân có nhiệt độ bề mặt dao động từ 70 - 80 độ C vô trùng, chứa khoảng 20 chất khoáng có tác dụng tốt cho việc chữa bệnh. Du khách đến đây, thưởng thức trứng gà, trứng cút, gà ta được luộc ở các vũng nước nóng.
Lợi dụng vị thế gần suối khoáng Hội Vân, hàng chục năm qua, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng cơ sở 2 thuộc Sở Y tế Bình Định tại thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát đã sử dụng nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Bình Định để chữa bệnh và làm dịch vụ tắm khoáng nóng trong khi chưa có giấy phép khai thác khoảng sản. Đồng nghĩa, bao nhiêu năm nay, bệnh viện sử dụng nguồn nước thiên nhiên chữa bệnh, làm dịch vụ, nhưng chưa thực hiện bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào đối với nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Ông Đào Văn Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp cho biết: Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng cơ sở 2 hình thành và đi vào hoạt động từ năm 1980. Từ đó đến nay bệnh viện vẫn dùng nguồn nước khoáng Hội Vân để chữa bệnh cho bệnh nhân. Ngoài ra nhân dân trong vùng bị ghẻ, tróc lở xuống tắm nước khoáng sẽ hết. Còn việc được cấp phép khai thác nước khoáng hay không, chúng tôi không rõ.
UBND tỉnh Bình Định mới ban hành Quyết định số 2711, ngày 05/8/2019 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 Khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và dân cư khu vực suối nước nóng Hội Vân, Phù Cát với quy mô lập quy hoạch 41,99ha. Đến nay, khu vực này vẫn mang dấu ấn vẻ đẹp nguyên sơ và chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác nguồn nước khoáng nóng.
Tương tự như vậy, suối khoáng nóng ở khu vực Hòn Lập, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh cũng được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Thế nhưng, nhiều năm nay, nó biến thành nguồn thu lợi nhuận không nhỏ cho ông Nguyễn Chí Tranh. Khu du lịch Suối nước nóng Vĩnh Thạnh mọc lên và quảng bá rộng rãi với các dịch vụ hấp dẫn: câu cá, hái rau rừng, đặc biệt được tắm khoáng nóng trực tiếp từ thiên nhiên giúp cơ thể khỏe mạnh, làn da tươi đẹp và tinh thần sản khoái. Cùng đó các món ăn heo dân tộc nấu lá lốt, gà dân tộc hấp lá chanh suối khoáng, canh cá nấu lá giang suối khoáng, rau rừng luộc suối khoáng. Sử dụng từ nguồn nước khoáng thiên nhiên để thu lợi nhuận, nhưng ông Tranh chưa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản.
Trước sự việc trên, Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 1869, ngày 26/7/2019 gửi UBND tỉnh Bình Định về việc phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định ký văn bản số 4692, ngày 9/8/2019 nêu ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra cụ thể việc khai thác, sử dụng nước khoáng của ông Nguyễn Chí Tranh và Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng cơ sở 2 khi chưa có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; xử phạt hành vi vi phạm trong việc khai thác, sử dụng nước khoáng theo quy định pháp luật hiện hành, đồng thời yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan dừng hoạt động khai thác, sử dụng nước khoáng khi chưa có giấy phép. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoạt động khai thác, sử dụng các nguồn nước khoáng trên lập hồ sơ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, cấp phép theo quy định. Yêu cầu Sở báo cáo kết quả và tham mưu UBND tỉnh có văn bản trả lời Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trước ngày 10/9/2019.