Hồ chứa nước Đại Sơn có dung tích 2,6 triệu m3, cung cấp nước tưới cho khoảng 200ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc 06 thôn của xã Mỹ Hiệp. Năm 2016, UBND huyện Phù Mỹ thực hiện dự án cải cạo, nạo vét lòng hồ Đại Sơn và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại tổng hợp Thịnh Hưng (trụ sở ở thôn Bình Long, xã Mỹ Hiệp) thực hiện việc thi công.
Hồ chứa nước Đại Sơn xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ |
Thế nhưng, lợi dụng việc nạo vét, cải tạo lòng hồ Đại Sơn, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại tổng hợp Thịnh Hưng đã khai thác đất khi chưa được UBND tỉnh Bình Định cấp phép. Mãi đến ngày 11/03/2020, UBND tỉnh Bình Định mới cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 13 cho phép Công ty được khai khác đất làm vật liệu san lấp trong quá trình nạo vét, cải tạo lòng hồ Đại Sơn.
Hồ Đại Sơn khô cạn nước |
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại tổng hợp Thịnh Hưng chưa thực hiện các nội dung quy định trong giấy phép và khai thác tại vị trí chưa được cấp phép.
Khai thác đất xong để lại những ao nước màu đỏ đất |
Trong văn bản số 5370, ngày 10/8/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo UBND huyện Phù Mỹ yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng Thương mại tổng hợp Thịnh Hưng ngừng ngay hoạt động khai thác khoáng sản trong lòng hồ Đại Sơn do không thực hiện theo đúng các nội dung trong giấy phép được cấp và chấm dứt việc khai thác khoáng sản tại mỏ phía Nam lòng hồ Đại Sơn khi chưa được cấp phép của UBND tỉnh; xác định làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo UBND tỉnh; tổ chức san mặt bằng và đầm chặt hoàn thành trước ngày 30/8/2020.
Nhiều mỏm đất cao nhô lên trong lòng hồ Đại Sơn |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, Sở NN-PTNT phối hợp với Sở TN&MT và UBND huyện Phù Mỹ kiểm tra hiện trường thì Công ty TNHH Xây dựng Thương mại tổng hợp Thịnh Hưng đã dừng thi công và các thiết bị máy móc thi công không còn trong lòng hồ, khu vực khai thác đã san gạt mặt bằng, tạo mái đào để ổn định hạn chế đất rời trôi về lấp miệng cống. Đồng thời, vị trí khai thác trái phép tại phía Nam lòng hồ đã dừng thi công và Công an huyện Phù Mỹ xử phạt vi phạm hành chính hai đối tượng khai thác đất trái phép.
Dấu tích đất khai thác trong lòng hồ Đại Sơn |
Trong Báo cáo số 2038, ngày 07/9/2020, Sở NN-PTNT nêu rõ những nội dung Công ty TNHH Xây dựng Thương mại tổng hợp Thịnh Hưng không thực hiện theo đúng các nội dung tại Điều 2, Điều 3 trong Giấy phép khai thác khoáng sản số 13: Không xác định mốc cao độ nên chưa đánh giá được chiều sâu đã khai thác, trữ lượng khai thác tại mỏ được cấp phép; không báo cáo tình hình hoạt động khai thác khoáng sản; không có báo cáo hoạt động của thiết kế về tư vấn giám sát tác giả; không có sổ nhật ký khai thác; không có Quyết định phê duyệt thiết kế mỏ và thẩm định mỏ được phê duyệt; không có đăng ký ngày bắt đầu khai thác, thông báo đến giám đốc mỏ về kế hoạch khai thác.
Dấu xe cơ giới in trên lòng hồ |
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty TNHH Xây dựng Thương mại tổng hợp Thịnh Hưng khai thác đất có chồng lấn đất lâm nghiệp thuộc chức năng phòng hộ và đề nghị doanh nghiệp không khai thác vào khu vực đất lâm nghiệp.
Hố bom do khai thác đất trong lòng hồ Đại Sơn |
Làm việc với Pv Báo TN&MT, ông Lê Thái Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp cho biết: Qua tình hình khai thác đất trong quá trình nạo vét, cải tạo lòng hồ Đại Sơn của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại tổng hợp Thịnh Hưng, Sở NN-PTNT và các ngành liên quan đã về kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp ngừng hoạt động khai thác. Đến nay, họ đã ngừng khai thác đất và chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh là có thu hồi Giây phép khai thác khoáng sản cấp cho Công ty hay không? UBND tỉnh giao Sở TN&MT cùng các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản số 13, ngày 11/03/2020 đã cấp cho Công ty TNHH Xây dựng Thương mại tổng hợp Thịnh Hưng.
Hố đất sâu do khai thác đất để lại trong hồ Đại Sơn |
Hồ Đại Sơn cung cấp nước tưới cho khoảng 200ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc 06 thôn của xã Mỹ Hiệp, thế nhưng khi phóng viên đến hồ Đại Sơn quan sát hiện trường, hồ Đại Sơn khô cạn nước. Trong lòng hồ vẫn còn in dấu chiến tích của doanh nghiệp và “đất tặc” đua nhau khai thác đất tạo thành hố sâu lồi lõm, có những hố sâu vài mét rất nguy hiểm.
Lòng hồ Đại Sơn xuất hiện nhiều ao nước đục ngầu màu đất đỏ, nhiều mỏm đất cao nhô lên không bằng phẳng. Chứng tỏ doanh nghiệp đã không thực hiện việc san mặt bằng và đầm chặt như chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Việc nạo vét, cải tạo lòng hồ đâu chẳng thấy, chỉ thấy hiện trường khai thác đất, hố bom đất xuất hiện, dấu xe cơ giới càn quét lòng hồ và biến lòng hồ chứa nước Đại Sơn trở thành mỏ đất cho doanh nghiệp và “đất tặc” vô tư khai thác trục lợi tài nguyên quốc gia.