Thu hút đầu tư 5 tháng đầu năm
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Bình Định thu hút được 29 dự án với tổng vốn đầu tư 5.545,26 tỷ đồng. Trong đó, có 15 dự án được đầu tư trong các cụm công nghiệp (CCN Tường Sơn, thị xã Hoài Nhơn; CCN Rẫy Ông Thơ, CCN Hóc Bợm, CCN Tây Xuân huyện Tây Sơn; CCN Gò Bùi, CCN Gò Cầy, CCN Gò Cây Duối huyện An Lão; CCN Tân Đức thị xã An Nhơn) với tổng vốn đầu tư 328,48 tỷ đồng; có 5 dự án ngoài KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 3.173,52 tỷ đồng và 9 dự án trong KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 2.043,26 tỷ đồng.
Phân theo lĩnh vực bao gồm: 22 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 4 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và 3 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản.
Phân theo địa bàn: Huyện Tây Sơn có 8 dự án; huyện An Lão có 4 dự án; thị xã Hoài Nhơn 2 dự án, thị xã An Nhơn 4 dự án; thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước mỗi địa bàn 1 dự án và trong KKT, KCN có 9 dự án.
Đối với thu hút đầu tư nước ngoài: Từ đầu năm đến nay tỉnh Bình Định chưa thu hút được dự án mới. Cả tỉnh hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,091 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 843,35 triệu USD và 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 245,56 triệu USD.
Năm 2022, tỉnh Bình Định tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra.
Định hướng thu hút đầu tư 7 tháng cuối năm
Trong 7 tháng cuối năm 2022, tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành 5 nhiệm vụ trọng tâm, triển khai việc lập quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà tỉnh Bình Định đã thực hiện ký kết thỏa thuận với Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam và Công ty Cổ phần FPT.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, từng bước đáp ứng ngày càng cao sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cơ quan công quyền và dịch vu công.
Tập trung xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, tập trung vào các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế bằng hình thức trực tuyến.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo sự liên kết phát triển trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên.
Chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ nhà đầu tư trong triển khai dự án, khuyến khích doanh nghiệp tái đầu tư và mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư có vốn lớn, thân thiện với môi trường.
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất chịu nhiều tác động do dịch Covid-19, tỉnh Bình Định sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, trong đó sẽ triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đề ra.