Bình Định: Sông Lại Giang “kêu cứu” vì doanh nghiệp không hoàn thổ sau khai thác cát

Mỹ Bình | 29/04/2020 18:56

(TN&MT) - 06 doanh nghiệp khai thác cát trên sông Lại Giang qua địa phận xã Hoài Đức và thị trấn Bồng Sơn của huyện Hoài Nhơn hết thời hạn khai thác theo giấy phép. Trong đó, chỉ có một doanh nghiệp được gia hạn tiếp tục khai thác cát. Tuy nhiên, sau khi kết thúc hoạt động khai thác cát, các doanh nghiệp đã không thực hiện việc đóng cửa mỏ, hoàn thổ phục hồi môi trường, đất đai.

Lại Giang là sông lớn thứ hai của tỉnh Bình Định, được hình thành từ sự hợp lưu của hai dòng sông An Lão và Kim Sơn ở huyện Hoài Ân, từ đó chảy qua các xã của huyện Hoài Nhơn và đổ ra cửa biển An Dũ. Nhiều năm nay, UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho 06 doanh nghiệp khai thác cát trên sông Lại Giang, đoạn qua địa phận xã Hoài Đức và thị trấn Bồng Sơn của huyện Hoài Nhơn.

Sông Lại Giang nằm dưới cầu Bồng Sơn mới

Phía bên xã Hoài Đức gồm ba doanh nghiệp là Công ty TNHH Đông Hà, Công ty TNHH Tín Đại Lộc, Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Kim Thành. Phía bên thị trấn Bồng Sơn có ba doanh nghiệp là Công ty TNHH Khoáng sản Vĩnh Long và Công ty TNHH tổng hợp Sinh Thành và Công ty TNHH Tân Lập. Mỗi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác cát từ 01 đến 02 năm, có doanh nghiệp hoạt động khai thác 04 năm phục vụ các công trình hạ tầng và dân sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Hoạt động khai thác cát trên sông Lại Giang trước đây 

Việc khai thác cát tràn lan trên sông Lại Giang của các doanh nghiệp đã phá vỡ cấu trúc phân tầng, làm sạt lở nhiều bờ bãi, thay đổi dòng chảy, thay đổi môi trường sống, khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Chưa kể 06 doanh nghiệp cùng hoạt động khai thác cát đã khiến cuộc sống người dân trong vùng mệt mỏi phải chịu đựng bởi tiếng ồn xe ben ra vào chở cát, bụi bặm, đường liên xã, thị trấn hư hỏng nặng.

Người dân khốn khổ vì nạn khai thác cát trên sông Lại Giang 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, 06 doanh nghiệp đã hết thời hạn khai thác cát trên sông Lại Giang. Trong đó, duy nhất chỉ có Công ty TNHH Tín Đại Lộc được tiếp tục gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản số 46, ngày 10/07/2019 với diện tích khai thác 0,72ha, khối lượng khai thác 15.040m3 cát, công suất khai thác là 10.000m3/cát/năm.

Doanh nghiệp kết thúc hoạt động khai thác cát để nguyên hiện trường không thực hiện hoàn thổ, cải tạo môi trường 

Trong các Giấy phép khai thác khoáng sản cấp cho các doanh nghiệp, UBND tỉnh Bình Định đều quy định mục 11 trong Điều 02 yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm phải thực hiện việc đóng cửa mỏ; phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác; báo cáo định kỳ trong hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản và các quy định khác có liên quan.

Cát chất thành đống bên phía bờ sông Lại Giang 

Thế nhưng, các doanh nghiệp lại không thực hiện quy định này. Sau khi kết thúc hoạt động khai thác cát theo thời gian cấp phép, các doanh nghiệp di dời máy móc, xe cơ giới ra khỏi khu vực khai thác cát, nhưng lại không thực hiện việc hoàn thổ, cải tạo môi trường, không trả lại sự bình yên, vẻ đẹp ban đầu cho dòng sông Lại Giang.

 Những hầm hố sâu nguy hiểm cho người và động vật

Bao nhiêu năm con sông oằn mình gồng gánh 06 mỏ cát để doanh nghiệp khai thác, khi không còn khai thác cát nữa doanh nghiệp để lại tàn tích, dấu tích khai thác nằm nguyên vẹn trên dòng sông là những hầm hố sâu nguy hiểm cho người và động vật. Con sông dài bị chắn ngang dòng chảy vì doanh nghiệp lấp sông mở đường vận chuyển cát. Con đường cát nằm án ngữ giữa dòng sông làm cản trở dòng chảy, khiến con sông đang bị bức tử trong thời tiết khô hạn.

Con sông đang bị bức tử trong thời tiết khô hạn.

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Hồ Hưởng – Trưởng Phòng TN&MT huyện Hoài Nhơn cho biết thêm: Các doanh nghiệp khai thác cát nằm dưới cầu Bồng Sơn đều đã hết hạn và không được gia hạn, riêng Công ty TNHH Tín Đại Lộc được tiếp tục gia hạn. Các doanh nghiệp đã dừng khai thác cát trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và báo cáo UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện phục hồi môi trường.

Các doanh nghiệp đã dừng khai thác cát trên sông Lại Giang nhiều tháng nay nhưng chưa thực hiện việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác. Đây là căn bệnh phổ biến khó chữa trị của các doanh nghiệp sau khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản. Có lẽ, chính quyền tỉnh Bình Định cần có bài thuốc điều trị dứt điểm căn bệnh này để trả lại vẻ đẹp cho dòng sông Lại Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Sông Lại Giang “kêu cứu” vì doanh nghiệp không hoàn thổ sau khai thác cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO