Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định về những thành tựu cũng như những giải pháp nhằm phát triển kinh tế biển xanh bền vững của Bình Định trong thời gian tới.
PV: Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật phát triển kinh tế biển xanh bền vững của Bình Định trong thời gian qua?
Ông Huỳnh Quang Vinh
Bình Định đã định hướng các mục tiêu cụ thể, xác định các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu để phát triển các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên như sau: đầu tư phát triển du lịch biển và dịch vụ biển; phát triển kinh tế hàng hải; phát triển lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; khuyến khích phát triển ngành công nghiệp và đô thị ven biển; tăng cường đầu tư năng lượng tái tạo và phát triển các ngành kinh tế biển mới; khai thác bền vững các tài nguyên khoáng sản biển.
Về đầu tư phát triển du lịch biển và dịch vụ biển, Bình Định đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch gắn với biển đảo: nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển, thể thao trên biển, lặn biển ngắm san hô, vui chơi giải trí ở các bãi biển gắn với mua sắm hải sản, trải nghiệm ẩm thực. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Hiện nay, một số dự án có quy mô đầu tư lớn đã được hoàn thành như: dự án FLC Grand Hotel Quy Nhơn; Maia Quynhon Beach Resort, khách sạn Fleur De Lys Quy Nhơn; nhiều dự án cao cấp được UBND tỉnh phê duyệt đã khởi công như: dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Greenhill Village Quynhon.
Ông Huỳnh Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định |
Bình Định phát triển đa dạng sản phẩm du lịch biển đảo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biển, đảo, bảo tồn và phát triển du lịch bền vững khu vực làng chài xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn. Xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lý Lương, Lý Hưng - xã Nhơn Lý và khu vực Bãi Xép - phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn đến năm 2025. Triển khai dự án Quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô vùng ven bờ gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn.
Về đầu tư năng lượng tái tạo và phát triển các ngành kinh kế biển mới, Bình Định tập trung kêu gọi đầu tư và phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió. Đến nay có 5 dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực theo quy định, với tổng công suất thiết kế 529,5 MWp. Trong đó có 2 dự án đã vận hành phát điện từ tháng 6/2019 với công suất là 99,5MWp và 3 dự án đã vận hành phát điện trong tháng 12/2020 với tổng công suất là 316MWp.
Bình Định có đường bờ biển thuộc đất liền dài 134 km và các đảo nhỏ. |
Riêng dự án điện gió, đến nay có 2 dự án đi vào vận hành phát điện với công suất 51MW và 2 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục để triển khai thi công với công suất 60MW.
Trong Khu kinh tế Nhơn Hội có 6 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được UBND tỉnh Bình Định cấp chủ trương đầu tư cho 5 nhà đầu tư, trong đó có 2 dự án điện gió và 1 dự án điện mặt trời đã đi vào hoạt động, 2 dự án điện gió đang triển khai xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị, 1 dự án điện mặt trời đang triển khai thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định.
UBND tỉnh Bình Định triển khai thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các quy định của pháp luật liên quan. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và triển khai cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tổng hợp phục vụ công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo tỉnh Bình Định; điều tra, đánh giá kết quả kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo hàng năm trên địa bàn tỉnh Bình Định.
PV: Xin ông cho biết những giải pháp thúc đẩy, phát triển các ngành kinh tế biển xanh Bình Định trong thời gian tới?
Ông Huỳnh Quang Vinh
Bình Định tiến hành triển khai đồng bộ thực hiện tốt Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định, các phong trào phòng chống rác thải nhựa.
Tăng cường cơ chế điều phối liên ngành, trong đó cần tăng cường nguồn lực cho tổ chức, hoạt động của tổ chức tham mưu giúp việc cho cơ quan thường trực là Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp với các Sở, ban ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo thực hiện; xây dựng hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh bảo đảm hiện đại, đồng bộ.
Đồng thời, rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển, hải đảo theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo giữa các ngành tham gia quản lý biển, hải đảo.
Ngoài ra. Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng phát triển các dự án du lịch biển, phát triển năng lượng tái tạo để từng bước phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bình Định là địa phương có lượng tàu cá lớn nhất cả nước với khoảng 6.000 tàu cá, trong đó hơn 1/2 là tàu đánh bắt xa bờ. |
Bên cạnh việc phát triển các ngành kinh tế biển, cần tăng cường công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, triển khai các nhiệm vụ điều tra cơ bản, tuyên truyền về biển hải đảo, lập hồ sơ tài nguyên hải đảo, kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển, ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương để phục vụ công tác quản lý và cung cấp thông tin cơ sở cho việc xây dựng các dự án đầu tư, phát triển kinh tế biển trên địa bàn tỉnh.
Cùng đó, hỗ trợ ngành du lịch trong việc điều tra tài nguyên du lịch biển, hải đảo; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng tự nhiên tác động đến du lịch biển, từ đó xây dựng phương án ứng phó và quản lý phát triển du lịch biển đảo.