PV Báo Tài nguyên và Môi trường dành nhiều thời gian và công sức đột kích một số mỏ đá của các doanh nghiệp đang hoạt động khai thác, chế biến đá, bê tông và nông sản tại khu vực Phú Sơn, phường Nhơn Hòa gây ô nhiễm môi trường, tàn phá đào núi Sơn Triều để mở rộng mặt bằng làm hỏng thảm thực bì bảo vệ rừng và xả nước thải bột đá, xi măng lấp suối theo phản ánh của người dân.
Khu vực mỏ đá và Trạm trộn bê tông nhựa của Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định tại khu vực Phú Sơn, phường Nhơn Hòa |
Điểm đầu tiên chúng tôi ghé qua là mỏ đá của Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định đang hoạt động khai thác đá và Trạm trộn bê tông nhựa tại khu vực Phú Sơn, phường Nhơn Hòa. Theo người dân phản ánh, Công ty này hoạt động khai thác đá tại đây hơn 20 năm qua, tuy nhiên không hiểu sao trong bảng danh sách các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản do Sở Tài nguyên và Môi trường thống kê, Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định chỉ mới được UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép khai thác đá vật liệu xây dựng thông thường năm 2014 tại Giấy phép số 28 ngày 28/04/2014 với diện tích 03 ha.
Bãi tập kết đá thành phẩm của Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định |
Trong quá trình hoạt động khai thác đá tại mỏ, ngoài việc người dân phải hứng chịu tiếng ồn máy móc, tiếng nổ mìn phá đá từ mỏ đá chỉ cách nhà dân hơn 100m còn phải chịu thêm bụi, tiếng ồn ầm ầm của Trạm trộn bê tông nhựa nằm trong khu vực mỏ hoạt động liên tục và nạn xe ben ra vào chở đá thành phẩm đã xay nghiền. Nơi Công ty CP Quản lý và Xây dựng Đường bộ Bình Định đặt Trạm trộn bê tông nhựa và bãi tập kết đá thành phẩm chất đống cao chỉ cách nhà dân vài chục mét. Thế là bao nhiêu bụi, tiếng ồn của máy trộn bê tông nhựa người dân đều hưởng trọn hàng ngày.
Núi Sơn Triều có một con suối nhỏ nhưng nay đã bị các doanh nghiệp khai thác đá và sản xuất bê tông đổ xi măng và bột đá xuống suối
|
Núi Sơn Triều có một con suối nhỏ nhưng nay đã bị các doanh nghiệp khai thác đá và sản xuất bê tông đổ xi măng và bột đá xuống suối. Trời nắng lớp bê tông cô đặc nằm chắn ngữ con suối khiến nước không thể chảy, mùa mưa nước bột đá, xi măng theo con suối chảy ra khu dân cư ảnh hưởng đời sống người dân. Người dân phản ánh, bột đá chảy ra suối là từ Công ty TNHH khai thác đá và xây dựng Ánh Kim, riêng Công ty Bê tông Phương Anh đục bức tường bên hông nằm gần nhà dân và sát con suối để nước xi măng chảy ra suối đóng thành tảng băng cứng.
Con đường nhỏ nằm bên hông Nhà máy sản xuất đá xây dựng Nhơn Hòa của Công ty CP Khoáng sản và Xây lắp Nhơn Hòa |
Theo quốc lộ 19, từ Công ty TNHH khai thác đá và xây dựng Ánh Kim, qua Công ty TNHH SX và XNK Vĩnh Thịnh là đến con đường nhỏ nằm bên hông Nhà máy sản xuất đá xây dựng Nhơn Hòa của Công ty CP Khoáng sản và Xây lắp Nhơn Hòa. Cứ con đường mòn đi thẳng vào phía sâu trong núi Sơn Triều là hiện trường mỏ đá đang tạm dừng hoạt động, nhưng ngổn ngang phương tiện khai thác. Tại mỏ đá vẫn treo biển khu vực nổ mìn nguy hiểm cấm vào. Thế nhưng tàn tích của sự tàn phá núi Sơn Triều là không tưởng. Vị trí nằm phía sau Công ty TNHH khai thác đá và xây dựng Ánh Kim và Công ty TNHH SX và XNK Vĩnh Thịnh.
Mỏ đá vẫn treo biển khu vực nổ mìn nguy hiểm cấm vào |
PV được biết, ngày 26/04/2016, UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy phép số 20 cho Công ty CP Khoáng sản và Xây lắp Nhơn Hòa khai thác đá tại núi Sơn Triều, diện tích 5,15ha, công suất khai thác 40.000m3/năm, thời hạn 26 năm. Nhưng do, Công ty chưa xây dựng các công trình bảo vệ môi trường (hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn, quy hoạch bãi thải, kè chắn) theo hồ sơ môi trường được duyệt, không thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại theo quy định và không khắc phục các tồn tại trên theo thời hạn đã cam kết. Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản số 20 đã cấp cho Công ty.
Điểm cuối cùng chúng tôi phản ánh là nơi Công ty TNHH Tiến Phước đang đào núi Sơn Triều để mở rộng mặt bằng xây dựng Xưởng chế biến nông sản tại khu vực Phú Sơn. Người dân cho biết, núi Sơn Triều có nhiều quả đồi cao trồng cây bảo vệ rừng và che chắn khu vực nhà dân tránh gió, bão, nhưng đã bị doanh nghiệp đào núi, làm đường san lấp mặt bằng, làm hỏng thảm thực bì bảo vệ rừng, núi không còn bóng cây xanh. Chính quyền thông báo sẽ giữ lại 08ha rừng, cây xanh trên núi Sơn Triều để bảo vệ rừng và môi trường sống cho người dân, thế nhưng doanh nghiệp đào, tàn phá hết núi không chừa lại cây xanh, lớp thực bì. Chưa kể, người dân lo sợ khi Xưởng chế biến nông sản của Công ty được xây dựng xong có nguy cơ ô nhiễm môi trường cho khu dân cư nơi đây.
Công ty TNHH Tiến Phước đang đào núi, san lấp xây dựng Xưởng chế biến nông sản
|
Trước sự tàn phá của các doanh nghiệp, núi Sơn Triều bị băm nát từng ngày, trơ trọc không còn bóng cây xanh, dẫn đến nhiều hệ lụy mà người dân phải hứng chịu do nạn ô nhiễm môi trường từ các mỏ đá gây ra, con đường quốc lộ 19 mới được sửa chữa nâng cấp nay đang xuống cấp vì xe chở đá, đất, cát.
Núi Sơn Triều trên địa phận phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn qua quốc lộ 19 bị băm nát từng ngày |
PV Báo Tài nguyên và Môi trường tìm đến UBND phường Nhơn Hòa gặp ông Nguyễn Bốn – Chủ tịch UBND phường tìm hiểu sự việc cũng như lắng nghe ý kiến của chính quyền địa phương trước nỗi bức xúc của người dân. Tuy nhiên, ông Bốn lại có biểu hiện né tránh báo chí, mặc dù PV trực tiếp đến trụ sở ủy ban, gọi điện thoại nhiều lần, nhắn tin hẹn gặp làm việc, nhưng ông Bốn không bắt máy điện thoại. PV nhờ Chánh văn phòng UBND phường gọi điện cho ông Bốn và xin hẹn lịch làm việc. Sau cuộc nói chuyện qua điện thoại với ông Bốn, vị này trả lời với PV rằng ông Bốn bận không có thời gian tiếp và cũng không biết khi nào có thể tiếp PV....
Qua trao đổi với PV, ông Huỳnh Hùng – Trưởng Phòng TN&MT thị xã An Nhơn cho biết, Phòng mới nhận được văn bản chỉ đạo của Sở TN&MT về kiến nghị của người dân khu vực Phú Sơn, phường Nhơn Hòa đối với các doanh nghiệp khai thác đá và Công ty TNHH Tiến Phước đào núi, mở rộng mặt bằng xây dựng làm hỏng thảm thực bì bảo vệ rừng, ảnh hưởng môi trường sống của nhân dân. Trong tuần này, chúng tôi tiến hành kiểm tra, xác minh, sẽ thông tin lại cho Báo TN&MT sau.