Từ bến tàu Hàm Tử tại Cảng cá Quy Nhơn, chúng tôi theo tàu cá vượt biển khoảng gần 2 giờ là đến địa phận xã đảo Nhơn Châu, thuộc thành phố Quy Nhơn.
Đảo Nhơn Châu mang vẻ đẹp màu xanh của biển |
Vừa đặt chân đến đảo, chúng tôi cảm nhận nhiều sự thay đổi trên vùng đảo nhỏ bé này. Ngoài hệ thống mạng lưới điện quốc gia phủ kín 3 thôn trong xã thì không gian cuộc sống nơi đây thật trong lành, êm dịu.
Biển Nhơn Châu xanh thẩm một màu, bên bờ biển vẫn là những khối đá bờ kè để bảo vệ khu dân cư của người dân sinh sống trên đảo đã in dấu tích xưa. Mục đích của chúng tôi quay trở lại đảo là thực hiện tuyến bài phóng sự về những đổi thay cuộc sống người dân trên đảo khi có điện lưới quốc gia trước thềm năm mới cho số Báo Xuân Tân Sửu 2021.
Đi qua Nhơn Châu bằng đường biển |
Trong thời gian thực hiện tuyến bài này, chúng tôi có dịp ở lại lâu hơn với người dân trên đảo. Đi dạo quanh 3 thôn trên đảo vào nhiều thời điểm khác nhau, điều làm chúng tôi ngạc nhiên và cảm nhận được sự mới mẻ, đẹp đẽ hơn trước, đó là biển Nhơn Châu rất sạch và không có rác thải nhựa nổi lềnh bềnh trên biển cũng như trong đảo.
Những khẩu hiệu bảo vệ môi trường tại các khu vực nhà dân |
Con đường trung tâm xã Nhơn Châu sạch sẽ lạ thường, rác được bỏ ngăn nắp trong thùng đựng rác đặt tại các trụ điện hoặc các điểm sinh hoạt chung của người dân trên đảo.
Ngôi nhà nhỏ trên đảo gắn khẩu hiệu bảo vệ môi trường |
Phía trước một số ngôi nhà người dân nằm mặt tiền hướng ra biển đều được treo bảng hiệu có ý nghĩa về thông điệp bảo vệ môi trường với các khẩu hiệu: “Cù Lao Xanh luôn muốn trong lành. Ni lông chai nhựa giảm nhanh đi nào” hay “Phân loại rác thải nguồn là góp phần bảo vệ môi trường”, “Bảo vệ môi trường vì sức khỏe cộng đồng”.
Chợ Nhơn Châu |
Nơi chúng tôi mỗi ngày thường ghé qua là chợ Nhơn Châu, đây là nơi tập trung sinh hoạt đông vui nhất của người dân trên đảo. Họ đến đây không chỉ ăn sáng, mua bán thức ăn, rau quả mà còn là nơi trò chuyện của nhóm chị em phụ nữ và đám trẻ con ăn quà vặt.
Chợ Nhơn Châu không rác thải sinh hoạt |
Thế nhưng, khu vực chợ lại rất sạch sẽ, không có rác sinh hoạt vứt bừa bãi trong chợ và hàng ngày tiểu thương dọn dẹp sạch sẽ trước khi rời chợ về nhà chỉ cách chợ vài mét hay xa hơn vài chục mét đường đi bộ.
Thùng đựng rác đặt tại khu sinh hoạt chung |
Không khỏi hiếu kỳ, chúng tôi hỏi thăm một chị đang mua đồ ăn trong chợ. Chị Nguyễn Thị Hường ở thôn Trung, xã Nhơn Châu cho biết: Mỗi ngày đều có đội thu gom rác thải sinh hoạt đến từng nhà dân và các điểm sinh hoạt chung để thu gom rác và vận chuyển rác đến bãi tập kết xử lý rác của xã. Lâu lâu trên biển có rác là UBND xã thuê người đi vớt rác nên biển lúc nào cũng sạch sẽ không có rác thải sinh hoạt.
Góc vui đùa của trẻ em trên đảo Nhơn Châu |
Nói về công tác bảo vệ môi trường trên đảo với PV Báo TN&MT, ông Nguyễn Văn Bé – Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu chia sẻ: Thời gian qua, UBND xã duy trì thu gom ở 3 thôn hoạt động thường xuyên, rác sinh hoạt của nhân dân được thu gom và tập trung xử lý bằng cách rắc vôi khử mùi và đốt hàng ngày. UBND xã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn và Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Nam Phương tiến hành hướng dẫn các tổ thu gom rác sử dụng chế phẩm sinh học phun khử mùi hôi trên xe trung chuyển rác và các hố tập kết xử lý rác trên địa bàn xã.
Tuyến đường tự quản trong khu dân cư |
Ông Bé cho biết thêm: UBND xã cùng với Hội LHPN thành phố Quy Nhơn triển khai dự án Nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn xã, tham gia lớp tập huấn TOT về quản lý tổng hợp rác thải theo vòng đời của rác, giảm thiểu và hướng đến không rác thải nhựa đại dương cho 67 lượt người dân trên địa bàn. Phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể xã tổ chức 8 đợt tổng vệ sinh môi trường có 330 lượt người tham gia và đồng thời vận động người dân thực hiện việc bảo vệ môi trường tại các tuyến đường tự quản trong khu dân cư, chăm sóc cây xanh, hạn chế sử dụng bao ni lông và chất thải nhựa.
Giữ gìn màu xanh của biển Nhơn Châu |
Đảo Nhơn Châu hay Cù Lao Xanh, còn gọi là Đảo Vân Phi đẹp như một bức tranh với màu xanh chủ đạo trải dài được điểm xuyết bằng những cây bàng non nằm dọc bờ biển giữa không gian mênh mang bất tận. Phía trước là bãi cát trắng nơi cư dân trên đảo sinh sống. Để giữ được màu xanh của biển và biển không bị nhuốm màu rác, công lao ấy thuộc về người dân trên đảo, bởi họ là chủ nhân của hòn đảo tươi đẹp này.