Bình Định: Nhiều hậu quả từ nạn khai thác vàng trái phép

23/05/2019 23:21

(TN&MT) - “Vàng tặc” hoạt động khai thác vàng trái phép tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân tồn tại hàng chục năm qua. Bởi vậy, mà Ân Nghĩa luôn là miền đất hứa mong được đổi đời của người dân nghèo và cũng là nơi làm giàu cho các đối tượng khai thác, buôn bán vàng. Chính vì lí do này, xã Ân Nghĩa chưa một ngày bình yên, người dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ nạn khai thác vàng.

Thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân điểm nóng nạn khai thác vàng trái phép
Thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân - điểm nóng nạn khai thác vàng trái phép

Mặc dù, chính quyền địa phương và ngành chức năng nỗ lực truy quét, xử lý; nhưng tình trạng đào, đãi vàng trái phép vẫn diễn ra tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân. Hiện tại, tình trạng khai thác vàng tương đối giảm so với trước, tuy nhiên, hậu quả của nó để lại cho người dân địa phương là khá lớn.

“Vàng tặc” hoạt động chủ yếu tại hai thôn Kim Sơn và Hương Quang ở những khu vực núi cao có tục danh hố Bông, hố Cọp, hố Khế, hố Mai, hố Côm. Những khu vực “vàng tặc” khai thác, đãi vàng đều bị xới tung tóe, đất đá ngổn ngang, sạt lở, cây cối xung quanh bị triệt hạ để tạo mặt bằng và lán trại.

Đường vào khu vực khai thác vàng trái phép
Đường vào khu vực khai thác vàng trái phép

Vàng ở đây chủ yếu loại vàng sa khoáng nằm lẫn trong đá, đất, có ở mọi nơi nên gọi là thôn Kim Sơn. Hàng chục hầm đất đào lên để tìm vàng với độ sâu hơn 40m. “Vàng tặc” dùng vật liệu nổ, thuốc nổ phá núi tìm vàng. Chúng phá đá, sau đó đãi vàng bằng phương pháp thủ công. Những hố đãi vàng thải ra nước gồm đất, bùn đỏ, hóa chất độc hại. Nguồn nước này chảy theo mương ra ngoài sông Kim Sơn, tác động xấu đến môi trường sinh thái và đời sống người dân.

Bởi trong quá trình đào, đãi vàng, các đối tượng thải trực tiếp ra môi trường lượng lớn hóa chất và bùn đỏ. Chất độc hại tràn vào hồ chứa nước Đồng Quang, Hố Cọp, Hố Khế ở phía dưới các bãi vàng. Người dân địa phương sử dụng nguồn nước để tưới tiêu trồng trọt, chăn nuôi thì cây khô héo chết, vật nuôi bệnh tật kém sinh trưởng, phát triển.

Hố đào vàng
Hố đào vàng

Cũng vì vậy, người dân bỏ hoang ruộng vườn, không thể canh tác nông nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương mình. Cái đói, cái nghèo từ thế hệ này qua thế hệ khác nối tiếp nhau, trong khi các đối tượng “vàng tặc” vì lợi nhuận bất chấp cuộc sống, sinh mạng của người dân và của chính mình làm giàu từ vàng khai thác trái phép. Một vài đối tượng trở nên giàu có do khai thác vàng, mà hàng nghìn hộ dân trong thôn Kim Sơn phải chịu hậu quả nặng nề.

Hố đất đãi vàng
Hố đất đãi vàng

Ngoài ra, việc đục khoét núi để đào đất, đá đãi vàng khiến nhiều khu vực triền núi cao bị sạt lở, nhất là vào mùa mưa lũ. Lượng đất, đá từ trên núi đổ xuống khu vực đồng ruộng thôn Kim Sơn, làm nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp. Chưa kể lượng bùn đỏ từ các mỏ khai thác vàng chảy xuống mương nước thôn Kim Sơn, khiến nước mương luôn có màu nâu vàng và bốc mùi khó chịu. Qua thời gian thấm xuống mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến các giếng nước của người dân nên không thể dùng nước giếng để sinh hoạt. Họ phải mua nước bình để uống và nấu ăn.

Trong quá trình đào, đãi vàng, các đối tượng thải trực tiếp ra môi trường lượng lớn hóa chất và bùn đỏ
Trong quá trình đào, đãi vàng, các đối tượng thải trực tiếp ra môi trường lượng lớn hóa chất và bùn đỏ

Chia sẻ với PV Báo TN&MT, ông Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa cho biết: Hoạt động khai thác vàng trái phép tại Ân Nghĩa diễn ra hàng mấy chục năm nay. Chính quyền địa phương cùng ngành chức năng thường xuyên truy quét, xử lý, tịch thu phương tiện, phá bỏ các mỏ vàng và lán trại. Nạn khai thác vàng trái phép tái diễn là do nhiều lao động ở địa phương thiếu việc làm hoặc tranh thủ lúc nông nhàn vào núi đào, đãi vàng kiếm thu nhập. Trước kia các đối tượng đào vàng từ nhiều nơi khác đến, nhưng nay chủ yếu người dân địa phương. Tháng 02/2019, UBND xã lập kế hoạch truy quét, ngăn chặn, xử lý tình hình khai thác vàng trái pháp luật và mời các hộ dân lên cam kết, tuyên truyền, vận động họ không tái phạm. Đến nay tình hình có giảm so với trước, hiện chỉ còn một vài đối tượng đào vàng lén lút.

Những hố đãi vàng thải ra nước gồm đất, bùn đỏ, hóa chất độc hại. Nguồn nước này chảy theo mương ra ngoài sông Kim Sơn
Những hố đãi vàng thải ra nước gồm đất, bùn đỏ, hóa chất độc hại. Nguồn nước này chảy theo mương ra ngoài sông Kim Sơn

Xã Ân Nghĩa vốn là xã nghèo của huyện Hoài Ân, là một trong bảy xã của huyện đang thụ hưởng Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Thế nhưng, người dân của xã có đất đành bỏ hoang vì không thể sản xuất; chăn nuôi kém hiệu quả, bệnh tật; nguồn nước bị ô nhiễm nặng, chất lượng cuộc sống của người dân không được đảm bảo; đói, nghèo bao phủ làng quê cũng vì nạn khai thác vàng trái phép. Ngày nào “vàng tặc” chưa bị xóa sổ thì ngày đó Ân Nghĩa vẫn chưa thể bình yên; đời sống người dân khó khăn, nghèo đói; kinh tế - xã hội chưa thể phát triển toàn diện và con đường đi đến đích nông thôn mới sẽ còn xa vời vợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Nhiều hậu quả từ nạn khai thác vàng trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO