Bình Định: Người dân mòn mỏi chờ bồi thường từ dự án Cơ sở chăn nuôi giống gia cầm Minh Dư

Mỹ Bình | 26/02/2021 20:31

(TN&MT) - Gửi đơn tập thể đến Báo Tài nguyên và Môi trường, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng dự án Cơ sở chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm công nghệ cao Minh Dư bày tỏ sự bức xúc về việc bồi thường đất, hoa màu. Trong khi người dân chưa nhận tiền đền bù, thì doanh nghiệp đã rào bao chắn xung quanh, không còn đường cho người dân đi lại sản xuất và chăn thả bò.

Dự án Cơ sở chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm công nghệ cao Minh Dư được xây dựng tại xóm Phúc Mới, thôn Nam Tượng 3, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn trên diện tích 475.403,33m2 do Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư làm chủ đầu tư.

Khu dự án Cơ sở chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm công nghệ cao Minh Dư

Trong dự án này, ngoài đất sạch do Nhà nước quản lý thì có khoảng hơn 20 hộ dân tại xóm Phúc Mới, thôn Nam Tượng 3, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn bị ảnh hưởng bởi dự án. Những loại đất của các hộ dân đều là đất khai hoang, đất trồng keo, đất trồng hoa màu, trồng rau, trồng lúa, trồng cỏ nuôi bò đã sử dụng hàng chục năm qua.

Không biết vì lý do gì mà khi thi công xây dựng dự án, chủ đầu tư đào nhiều hố sâu lấy đất trong khi người dân thường xuyên đi thả bỏ khu vực này 

Tuy nhiên, chính quyền thị xã An Nhơn áp giá đền bù cho người dân ở mức quá thấp, chỉ đền bù hoa màu, cây cối mà không đền bù về đất nên người dân không đồng ý nhận tiền bồi thường. Đến nay còn 14 hộ dân không nhận đền bù và làm đơn khiếu nại gửi lên chính quyền các cấp và cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định.

Người dân thả bò trên những hố đất rộng, sâu xuất hiện trong khu dự án

Không chỉ vậy, người dân cùng làm đơn tập thể gửi Báo Tài nguyên và Môi trường trình bày sự bức xúc của họ về công tác đền bù giải phóng mặt bằng của chính quyền thị xã An Nhơn thực hiện dự án Cơ sở chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm công nghệ cao Minh Dư.

Người dân bức xúc về việc rào chắn và đền bù không thỏa đáng 

Các hộ dân trình bày, ruộng đất của họ sử dụng từ năm 1975, không ai tranh chấp, không bỏ hoang ngày nào, tổng diện tích là 40 sào đất trồng keo, 15 sào ruộng tục danh là Rừng Gò Trám, ngoài mương con Thủy Lợi đang sử dụng trồng cây hòa màu.

Ông Nguyễn Thanh Tùng đất trồng keo là 5.000m2, đất ruộng 4.540m2; ông Nguyễn Hữu Thành có đất trồng keo 2.777m2; ông Nguyễn Thành Nghiệp có đất trồng keo 1.000m2; bà Bùi Thị Chỉnh đất trồng keo là 2.500m2, đất ruộng 750m2; bà Nguyễn Thị Hơn đất ruộng 700m2 và 1.000m2 đất khai khoang; ông Hà Văn Tới có đất ruộng 900m2; ông Trần Văn Cảnh đất trồng keo 7.500m2; ông Nguyễn Thành Sơn có đất trồng keo 1.500m2

Nhiều diện tích đất trồng keo của người dân đang chờ đền bù 

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Ảnh gửi đơn cá nhân bức xúc phản ánh, gia đình bà có 1.700m2 đất trồng cây hoa màu, sử dụng đất từ năm 1975 nhưng chỉ được đền bù tiền hỗ trợ cây trồng 4 triệu đồng mà không đền bù tiền đất cho gia đình bà. Hay ông Nguyễn Văn Phúc có đơn trình bày, gia đình ông được giao thửa ruộng diện tích 865m2, thửa đất số 182 ở xóm Phúc Mới chỉ được đền bù 30 triệu đồng nên ông không đồng ý với số tiền đền bù ít ỏi như vậy.

Diện tích đất trồng keo, hoa màu ảnh hưởng dự án của người dân 

Lý do người dân bức xúc không chỉ giá trị tiền đền bù quá thấp, người dân không thể dùng số tiến bồi thường để chuyển đổi nghề nghiệp, trang trải cuộc sống gia đình khi không còn ruộng đất sản xuất, mà họ bức xúc hơn cả là chính quyền lấy đất của dân không phải để thực hiện dự án phục vụ phát triển công nghiệp, xây trường học, bệnh viện, đường xá, khu hành chính hay quân sự mà lại giao cho doanh nghiệp làm cơ sở chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm, nhưng không áp giá theo giá thị trường và doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân theo quy định pháp luật.

Trước đây khu đất trong dự án là nơi người dân thường chăn thả bò 

Chưa kể, trong khi chính quyền chưa thực hiện đền bù cho người dân và người dân chưa chấp nhận giá trị bồi thường và đang làm đơn khiếu nại gửi các cấp giải quyết thì chủ doanh nghiệp dự án Cơ sở chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm công nghệ cao Minh Dư đã rào bao chắn xung quanh không cho người dân đi lại sản xuất trên phần đất đang chờ thỏa thuận đền bù và đường ra vào chăn thả bỏ xưa nay làm ảnh hưởng nguồn sinh kế người dân sinh sống tại đây.

Điều người dân bức xúc hơn nữa là họ đã gủi đi rất nhiều lá đơn kêu cứu lên chính quyền các cấp cùng các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định nhưng “bặt vô âm tín”, họ không nhận được bất kỳ câu trả lời nào suốt một năm qua và đến hiện tại họ vẫn mòn mỏi chờ đợi câu trả lời từ phía chính quyền địa phương.

Hiện tại chủ đầu tư dự án đã rào chắn xung quanh, người dân không thể thả bỏ và đi lại sản xuất như trước kia

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Nguyễn Huỳnh Nguyên - Chủ tịch UBND xã Nhơn Tân cho biết: Sau khi nhận được đơn của người dân chúng tôi rà soát lại thì có thêm 5 hộ được bồi thường, số hộ còn lại không được diện bồi thường và đang lên phương án bồi thường cho người dân. Ban Giải phóng mặt bằng thị xã An Nhơn củng cố hồ sơ và sẽ tiến hành đối thoại với người dân.

Trao đổi thêm với PV, ông Lê Quang Thinh – Phó Giám đốc Ban Quản lý DA ĐTXD và Phát triễn quỹ đất thị xã An Nhơn cho biết: Để làm rõ quá trình sử dụng đất của người dân, UBND thị xã giao Thanh tra thị xã An Nhơn xác minh nguồn gốc đất các hộ dân. Sau khi củng cố hồ sơ sẽ thông báo cho người dân ai được đền bù và ai không được đền bù.

Qua trao dổi, ông Lê Thanh Tùng – Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn thông tin: Sau khi hoàn thành công tác giao quân năm 2021, UBND thị xã sẽ tiến hành công khai bản quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Cơ sở chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm công nghệ cao Minh Dư cho người dân biết và đồng thời trả lời cho các hộ dân trường hợp nào được đền bù và không được đền bù bị ảnh hưởng dự án.

Về phía doanh nghiệp chủ đầu tư dự án, để bảo đảm thông tin khách quan, đa chiều PV đã liên hệ làm việc và muốn nghe ý kiến của doanh nghiệp về nội dung khiếu nại của người dân nhưng Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư không hợp tác. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Người dân mòn mỏi chờ bồi thường từ dự án Cơ sở chăn nuôi giống gia cầm Minh Dư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO