Nhiều ngư dân bày tỏ họ đã “sức cùn lực kiệt” sau chuỗi ngày cắp hồ sơ xuôi ngược gõ cửa công quyền, doanh nghiệp để đòi lại quyền lợi khi những con tàu bạc tỉ của họ bị hư hỏng sau vài chuyến ra khơi ngắn ngủi. Do đã quá mệt mỏi với những chuyến họp hành, bàn tới bàn lui nên các chủ tàu 67 đành “ngậm đắng nuốt cay” chấp nhận đền bù với giá “rẻ mạt” mà các doanh nghiệp đóng tàu đưa ra.
Cụ thể, trước sự có mặt của ban ngành chức năng địa phương, phía nhà máy đóng tàu và ngư dân đã đi đến thống nhất bồi thường thiệt hại các tàu hư hỏng, nằm bờ. Qua đó, có 2 chủ tàu được bồi thường 200 triệu/tàu; 1 trường hợp là 238 triệu và có 3 trường hợp được bồi thường 218 triệu/tàu. Các bên thống nhất, tiền bồi thường sẽ được chuyển theo 2 hình thức: Trao tiền mặt hoặc chuyển qua tài khoản Ngân hàng, han chót trước ngày 4/5/2018.
Cùng ngày (5.4), Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cũng xác nhận, trong 2 ngày (ngày 3 và ngày 4/4 vừa qua), tại UBND các huyện Phù Mỹ, Phù Cát (Bình Định), 5 chủ tàu vỏ thép hư hỏng do Công ty Đại Nguyên Dương là các ông: Mai Văn Chương, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Mạnh, Võ Tuân, Trần Minh Vương cũng đã đồng ý nhận tiền bồi thường từ phía chủ nhà máy đóng tàu. Tuy vậy, công ty này chỉ đồng ý đền bù với giá 881 triệu đồng/5 tàu. “Tôi và bà con cũng đã mệt mỏi rồi. Cả năm qua, tàu nằm bờ, tôi cũng đi cả trăm lượt xe để yêu cầu công ty đóng tàu phải có trách nhiệm sửa chữa lại tàu, nhưng “lực bất tòng tâm”. Nợ gốc lẫn nợ lãi ngân hàng cứ một nhiều lên, trong khi tàu cứ nằm bờ thế này e rằng tôi và ngư khác bị ảnh hưởng có khi chết đi cũng không trả xong nợ. Thôi đành nhận, chứ biển đang vào mùa, giờ mà ngồi bờ chờ tòa thì chịu sao cho nổi”, ngư dân Mai Văn Chương lắc đầu.