Theo truyền thống của người Bana, dù làng lớn hay nhỏ đều phải có nhà Rông hay còn gọi là hmam Awar. Nhà Rông là một loại nhà sàn dài, nóc không cao như các nhà Rông Tây Nguyên, cửa ra vào chính ở giữa vách trước, hai cửa sổ ở hai bên. Nhà Rông người Bana lớn hay nhỏ là phụ thuộc tổng số gia đình trong làng nhiều hay ít. Trên mái nhà sàn không thẳng mà hơi cong, các vách cầu thang, mái nhà đều trang trí một số loại hoa văn truyền thống của người Bana Kriêm Bình Định.
Bên trong nhà Rông là một hàng cột đều nhau thẳng tắp kéo dài từ đầu bên này đến đầu bên kia, người Bana gọi là “Chơ mững xơ drô”. Đầu trên cao của tất cả các cột Chơ mững xơ drô được đẽo, khắc đính một số hình ảnh chim thú như: rắn, rùa, khỉ, chim cu, chèo bẻo… do các nghệ nhân trong làng tự đục đẽo.
Hàng cột Chơ mững xơ drô trong nhà Rông có vai trò quan trọng là cây cột cúng các thần yang. Cột cúng của từng gia đình để nhận biết làng có mấy chục hộ thì cây cột trong nhà Rông có bấy nhiêu. Những ngày hội lớn, rượu ghè gia đình nào đem cột vào Chơ mững xơ drô của gia đình ấy, không cho phép sự nhầm lẫn. Cột cúng Chơ mững xơ drô của già làng to hơn được đặt ở giữa nhà Rông.
Nhà Rông còn là nơi để ngủ, sinh hoạt vui chơi, giải trí của nam thanh niên chưa vợ, nơi cất nhiều trống pơ nưng, bộ cồng chiêng, tên, ná, khiên, đao, giáo mác; là nơi lưu giữ túi đựng hồn linh thiêng của dân làng. Do vậy, gia đình có việc đột xuất, chị em phụ nữ đến phải đứng ngoài gọi chứ không được vào trong nhà Rông.
Trong các ngày lễ hội lớn của làng như lễ hội ăn cốm lúa mới, lễ mừng sức khỏe, lễ mừng năm mới cũng được tổ chức tại nhà Rông. Tất cả mọi người trong làng đều xuống nhà Rông uống rượu ghè, đánh cồng chiêng, múa hát dân ca suốt đêm.