Tại Quyết định số 278/QĐ-UBND tỉnh về việc cho Công ty TNHH Trung Hiệp (trụ sở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) thuê đất để khai thác khoáng sản quặng galenit và vàng tại xã Vĩnh Thịnh thể hiện: Công ty này được tỉnh thuê hơn 3,8 ha đất; gồm có 2,1 ha đất trồng rừng sản xuất và 1,7 ha đất bằng chưa sử dụng thuộc núi Hòn Lập. Diện tích đất thuê được sử dụng vào các mục đích xây dựng khu khai trường, sơ chế sản phẩm, nhà tập thể cho công nhân; khu nhà ở, văn phòng làm việc, bể chứa nước tuần hoàn, trạm biến áp và kho mìn. Thời gian thuê đất 15 năm kể từ ngày cấp giấy phép khai thác khoáng sản (số 20-GP/UBND tỉnh ngày 11.2.2010).
“Không lợi lộc gì,…”
Thế nhưng, công ty đi vào hoạt động chưa bao lâu đã bộc lộc nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình khai thác mỏ, khiến người dân ở địa phương lẫn chính quyền sở tại lo lắng; đặc biệt là nỗi lo về ô nhiễm môi trường nguồn nước. Ông Mã Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, nhận xét: Hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Trung Hiệp không mang lại hiệu quả. Khâu bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác cũng không đảm bảo. Đáng lo nhất hiện nay là việc công ty tổ chức nổ mìn khai thác mỏ diễn ra vô tội vạ. “Tôi thấy có hôm mới 4,5 giờ sáng họ đã bắn; có khi 15,16 giờ chiều họ cho nổ,... Giờ giấc nổ mìn ra sao công ty cũng không thông báo chính quyền lẫn người dân ở địa phương nắm bắt phòng ngừa. Họ ưng nổ lúc nào thì họ cho nổ lúc đó”, ông Hùng cho hay.
Một hộ dân ở thôn M3, xã Vĩnh Thịnh (xin không nêu tên), bức xúc nói: “Bà con ở đây thấy hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Trung Hiệp không mang lại lợi lộc gì cả. Lao động họ thuê người ở các tỉnh phía Bắc vào. Lai lịch họ ra sao người dân ở đây cũng không rõ, nhưng có nhiều người xăm trổ. Chưa kể, trong quá trình hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản công ty còn sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại. Hiện nay, bà con rất lo lắng vì khi có mưa các chất độc hại này sẽ theo nước chảy xuống đồng ruộng, các ao nước tưới tiêu, phục vụ chăn nuôi. Mức độ ô nhiễm ra sao thì bà con chưa rõ. Nhưng ở thời điểm này, bà con không dám sử dụng nguồn ở các ao, hồ nằm xung quanh bãi khai thác khoáng sản để tưới tiêu hoặc cho gia súc uống”.
Ngoài các hạn chế trên, PV còn ghi nhận tại hiện trường khai thác mỏ còn xuất hiện nhiều hầm vàng nằm lộ thiên đã khai thác xong nhưng chưa được hoàn thổ. Một cán bộ kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, cho biết thêm, quá trình khai thác mỏ Công ty TNHH Trung Hiệp còn tùy tiện mở đường, xâm lấn đất lâm nghiệp của dân. Ngoài ra, một số hệ thống kênh mương dẫn nước nằm gần khu vực mỏ ở thôn M3 cũng bị đất đá bồi lấp do hoạt động khai thác khoáng sản của công ty này gây ra.
Đụng đâu sai đó, huyện kiến nghị tỉnh thu hồi giấy phép
Theo kết quả kiểm tra của Phòng TN-MT huyện Vĩnh Thạnh từ năm 2016 đến nay, Công ty TNHH Trung Hiệp liên tục để xảy ra vi phạm. Cụ thể: Tại biên bản kiểm tra vào ngày 23.12.2016 cho thấy, có 8 lao động của công ty chưa đăng ký tạm trú; công ty không xuất trình được giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; công ty mở 3 đường hầm khai thác vàng nhằm mục đích thông gió, song không xuất trình được hồ sơ thiết kế. Kết quả kiểm tra ngày 17.5.2017 tiếp tục nêu rõ: công tác bảo vệ môi trường tại công ty chưa đảm bảo; nước thải từ hệ thống tuyến quặng mới chưa được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường đất; chưa thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ; chưa đảm bảo việc trang bị bảo hộ cho người lao động và chưa thực hiện chế độ BHXH, BHYT cho người lao động. Kết quả kiểm tra ngày 23.2.2018 cũng chỉ ra công ty đã cho khai thác, mở 2 cửa hầm khai thác vàng và dựng lán trại ngoài khu vực diện tích cho thuê đất khoảng 500m2; đồng thời, hệ thống lưới điện, dây dẫn ở khu vực khai thác chưa đảm bảo và đề nghị công ty khắc phục để đảm bảo an toàn lao động.
Trước những tồn tại trên, ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn lập báo cáo gởi Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với Công ty TNHH Trung Hiệp. “Hoạt động khai thác mỏ của Công ty TNHH Trung Hiệp đang bộc lộ quá nhiều hạn chế, yếu kém. Hiện nay, công ty này đang nợ huyện 800 triệu đồng tiền thuê đất, quá trình thực hiện nghĩa vụ đóng thuế Nhà nước không đảm bảo; hoạt động khai thác gây ô nhiễm môi trường và gây mất an ninh trật tự do các bên trong công ty tranh chấp quyền lợi với nhau”, ông Đẩu bày tỏ.