Tại xã Canh Vinh có 6 doanh nghiệp được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác khoáng sản: Công ty TNHH TM-DV Duy Hiệp, Công ty TNHH TM - XD Khôi, DNTN Thiện Phú, Công ty TNHH Danh Thành Đạt, Công ty TNHH Tân Thịnh chuyển cho Công ty TNHH Yến Tùng khai thác, Công ty TNHH Tân Lập. Các doanh nghiệp này khai thác từ 01ha đến 03ha, thời gian từ 02-05 năm.
Tại xã Canh Hiển có 03 doanh nghiệp: DNTN Đinh Toàn, Công ty CP Đầu tư Nắng Ban Mai, Công ty TNHH Tấn Thành. Riêng Công ty CP Đầu tư Nắng Ban Mai đến nay chưa hoạt động khai thác.
Điểm chung của các doanh nghiệp này là thời gian khai thác cát bị chậm so với thời gian được cấp phép, do người dân hai xã Canh Vinh và Canh Hiển đều phản đối không cho doanh nghiệp tiến hành khai thác cát vì họ lo sợ bờ sông bị sạt lở và làm khô cạn nguồn nước ngầm, giếng sinh hoạt của nhiều hộ dân đang sinh sống gần khu vực sông Hà Thanh. Sự việc kéo dài hơn 2 năm, đầu năm 2018 các doanh nghiệp bắt đầu được hoạt động khai thác.
Thế nhưng, khi đi vào khai thác, các doanh nghiệp không cắm mốc chỉ giới tọa độ, cắm biển báo nguy hiểm, bảng thông tin mỏ khoáng sản, không lắp đặt camera mỏ cát nơi doanh nghiệp được phép khai thác. Hiện hai doanh nghiệp là Công ty TNHH TM - XD Khôi và Công ty TNHH Tấn Thành có bảng thông tin mỏ cát.
Trong khi đó, khu vực khai thác mỏ cát của 09 doanh nghiệp, phần lớn đều nằm gần khu dân cư, nên người dân thường hay ra vào khu vực này để chăn thả bò, tắm rửa, trẻ con nô đùa gây nguy hiểm đến tính mạng người dân bất cứ lúc nào. Những vấn đề trên, Báo Điện tử TN&MT đã có loạt bài phản ánh về nạn khai thác cát trên sông Hà Thanh qua địa bàn huyện Vân Canh, trong đó phải kể đến bài “Vân Canh (Bình Định): Cần chấn chỉnh tình trạng khai thác cát và đất sét trái phép” đăng ngày 30/07/2018.
Sau đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Bình Định khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021, ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh: Các mỏ cát đều phải cắm mốc phạm vi, độ sâu khai thác cát, yêu cầu mỏ cát phải gắn camera. Đến nay, có khoảng 20% trên tổng số 57 mỏ cát cấp phép đã gắn camera. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở TN&MT kiểm tra tất cả các mỏ cát, nếu mỏ nào không gắn camera thì nhất quyết UBND tỉnh sẽ thu hồi, Phòng TN&MT huyện và chủ tịch UBND các xã theo dõi, kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên đến nay, PV Báo TN&MT làm việc với ông Nguyễn Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã Canh Vinh thì ông Hiệp khẳng định, hiện còn 5 mỏ cát tại xã Canh Vinh hoạt động vì Công ty Công ty TNHH Tân Lập không còn khai thác mỏ sau khi hoàn thành xong phần cầu đường dự án Đường phía Tây tỉnh đoạn qua xã Canh Vinh, nhưng các mỏ cát đang khai thác trên địa bàn xã chỉ cắm mốc phạm vi giữa các mỏ, chứ chưa thấy gắn camera tại mỏ để quan sát, giám sát hoạt động khai thác. Còn tình trạng nước chảy trên đường là có, nhưng mùa nắng thì đường nhanh khô hơn. Lực lượng cán bộ xã mỏng cũng như kinh phí khó khăn, nên không thể cử cán bộ ra canh giữ hàng ngày. Hiện một số doanh nghiệp đã hết thời gian khai thác, vừa rồi cán bộ xã cũng tham gia cuộc họp để xem xét cho các doanh nghiệp được gia hạn lại.
Quy trình khai thác mỏ cát, ngoài các thủ tục cấp phép thì doanh nghiệp phải đảm bảo các yếu tố an toàn mỏ, cắm bảng thông báo mỏ, biển báo quy hiểm, rào chắn bảo vệ, cắm mốc phạm vi, độ sâu khai thác cát, yêu cầu mỏ cát phải gắn camera, lắp đặt trạm cân trong hoạt động khai thác khoảng sản trên các dòng sông, bảo vệ môi trường, không làm ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống người dân. Thế nhưng, các doanh nghiệp được khai thác cát trên sông Hà Thanh qua địa phận huyện Vân Canh đều không thực hiện. Bởi vậy, những doanh nghiệp đã hết thời hạn khai thác, đang trong thời gian xin gia hạn lại, thiết nghĩ UBND tỉnh Bình Định cần phải xem lại những yếu tố trên để cân nhắc cho doanh nghiệp tiếp tục được phép khai thác khoáng sản hay không?.