Bình Định: Hệ thống kênh tưới Văn Phong bị ô nhiễm môi trường

31/08/2017 00:00

(TN&MT) - Thời gian gần đây, tại Hệ thống kênh tưới Văn Phong đi qua địa bàn các xã Cát Hiệp, Cát Hanh của huyện Phù Cát (Bình Định) xảy ra tình trạng người dân dùng kích điện rà bắt các loài thủy sinh và xả rác bao bì, xác súc động vật gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, hệ thống kênh tại một số đoạn bị hư hỏng, sạt lở do mưa bão đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Kênh tưới Văn Phong tại địa bàn xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát
Kênh tưới Văn Phong tại địa bàn xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát

Khu tưới Văn Phong là hợp phần của Dự án thủy lợi Hồ chứa nước Định Bình, tỉnh Bình Định được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt dự án đầu tư với tổng mức đầu tư là 2.070 tỷ đồng. Hợp phần gồm có Công trình đập dâng Văn Phong do Ban QLĐT&XDTL6 thuộc Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư, Hệ thống kênh tưới Văn Phong do UBND tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư mà đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA Hệ thống kênh tưới Văn Phong.

Người dân dùng kích điện rà bắt thủy sinh tại nhánh kênh Văn Phong ở xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát
Người dân dùng kích điện rà bắt thủy sinh tại nhánh kênh Văn Phong ở xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát

Hệ thống kênh tưới Văn Phong bao gồm kênh chính dài 34,00 km và gần 212,5 km kênh cấp dưới cùng gần 3.000 công trình các loại trên kênh vừa để cung cấp nước tưới cho trên 12.000 ha lúa và hoa màu của các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát, thị xã An Nhơn và TP. Quy Nhơn, vừa có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt, phục vụ nước sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cắt lũ đầu nguồn cho vùng hạ du của tỉnh Bình Định.

Trong đó, Hệ thống kênh tưới Văn Phong do Xí nghiệp Thủy Lợi II – Chi nhánh Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý vận hành đã tiếp nhận kênh chính 14,70 km từ vị trí K20 đến K34+70 và hệ thống kênh nhánh bao gồm: 10 tuyến kênh nhánh cấp 1; 24 tuyến kênh nhánh cấp 2; 03 tuyến kênh nhánh cấp 3 với tổng chiều dài 77,6km thuộc địa bàn huyện Phú Cát. Năm 2017, Xí nghiệp vừa mới nhận bàn giao sử dụng kênh N24 và kênh nhánh với tổng chiều dài khoảng 11km chủ yếu tập trung ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát.

Kênh tưới Văn Phong tại địa bàn xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát người dân xả rác, bao bì xuống kênh
Kênh tưới Văn Phong tại địa bàn xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát người dân xả rác, bao bì xuống kênh

Tuy nhiên, thời gian qua Hệ thống kênh tưới Văn Phong tại địa bàn huyện Phù Cát xuất hiện tình trạng người dân sử dụng kích điện rà bắt các loài thủy sinh như cá, tôm, lươn, chạch làm hủy diệt nguồn thủy sản và mất cân bằng hệ sinh thái chưa kể có thể gây chết người vì bị điện giật.

Cùng với đó là tình trạng xả rác bao bì, xác súc động vật chết gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường và làm tắc nghẽn hệ thống dòng chảy của kênh. Không những vậy, hệ thống kênh tưới Văn Phong tại một số đoạn bị hư hỏng, sụt lún, sạt lở từ hậu quả của mùa mưa bão năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục sửa chữa, trong khi mùa mưa bão năm 2017 đã cận kề khiến bà con nhân dân tại vùng bị ảnh hưởng rất lo ngại.

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Nguyễn Văn Cho - Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp cho biết: “Khi nước kênh nhiều thì người dân không rà bắt thủy sinh nhưng khi kênh tháo nước để kiểm tra, sửa chữa thì người dân dùng kích điện rà bắt nên UBND xã không thể quản lý được”.

Đoạn kênh tưới Văn Phong tại địa bàn xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát bị sạt lở, hư hỏng do mưa lũ năm 2016
Đoạn kênh tưới Văn Phong tại địa bàn xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát bị sạt lở, hư hỏng do mưa lũ năm 2016

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Quyền - Giám đốc Xí nghiệp Thủy Lợi II - Chi nhánh Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định tại huyện Phù Cát lại khẳng định: Không có việc người dân dùng kích điện rà bắt thủy sinh tại kênh vì kênh nước rất sâu, Xí nghiệp kiểm tra thường xuyên nhưng không phát hiện thấy trường hợp nào.

Về tình trạng ô nhiễm môi trường tại kênh, ông Quyền cho biết thêm: “Việc này xảy ra rất nhiều tuyến kênh trên địa bàn huyện vì người dân thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường tuyến kênh và quan niệm chôn xác động vật chết sẽ không làm ăn được nên vứt xác xuống kênh gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối. Nhiều lần chúng tôi phải vớt xác động vật lên để đốt và thu gom rác bao bì các loại nhưng vẫn chỉ khắc phục tạm thời. Hệ thống kênh tưới Văn Phong bị hư hỏng nhưng chưa khắc phục được vì còn chờ nguồn kinh phí hỗ trợ, sang năm 2018 mới có thể tiến hành sửa chữa”.

Thiết nghĩ, các ngành tỉnh Bình Định cần tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn thủy sinh tuyến kênh tưới Văn Phong đối với người dân trong vùng vì Hệ thống kênh tưới Văn Phong. Bởi lẽ, đây là nguồn nước dồi dào cung cấp ổn định để phát triển sản xuất, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho nhân dân khu vực hưởng lợi và sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Định.

Mỹ Bình 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Hệ thống kênh tưới Văn Phong bị ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO