Bình Định: Hàng nghìn du khách đổ về chùa Bà dự Lễ hội đô thị nước mặn

16/03/2018 22:58

(TN&MT) - Chiều 16/3(tức 29 tháng Giêng âm lịch), hàng nghìn du khách trong và ngoài tỉnh Bình Định đổ về chùa Bà ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước dự Lễ hội đô thị nước mặn.Đây là một trong những Lễ hội độc đáo bậc nhất của dải đất Duyên hải miền Trung được tổ chức hàng năm từ ngày 29 tháng Giêng đến ngày 3/2 âm lịch.  

Lễ hội Đô thị nước mặn là một trong những Lễ hội cổ truyền có quy mô lớn và ra đời sớm nhất ở Bình Định cách đây hơn 4 thế kỷ được tổ chức định kỳ hàng năm như một biểu tượng về văn hóa truyền thống của quê hương Bình Định.
 

Chùa Bà nơi thờ Thiên Hậu thánh mẫu, là người có công cứu vớt thuyền bè mắc cạn nơi vùng cảng thị thuở xưa
Chùa Bà nơi thờ Thiên Hậu thánh mẫu, là người có công cứu vớt thuyền bè mắc cạn nơi vùng cảng thị thuở xưa

Lễ hội phục dựng nhiều hoạt động văn hoá đặc trưng vùng thương cảng nước mặn như: rước linh thần ở miếu Thành Hoàng; miếu Thánh Quán – Thiên Hậu thánh mẫu; miếu Bà mụ (tức bà chúa Thai sinh). Đây là những vị thần có công khai sáng che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân cảng thị, ban phước lành cho làm ăn phát đạt, bảo hộ việc sinh sản mẹ tròn con vuông, con cháu đông đúc, cảng thị ngày một phát triển; rước biểu tượng Ngư, Tiều, Canh, Mục với những hình tượng: kẻ đốn cây phá rừng ngập mặn, người vỡ ruộng đắp bờ, kẻ bủa lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc để tưởng nhớ, suy tôn công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển thành một đô thị thương cảng sầm uất.
 

Lễ nghinh thần rước sắc khởi hành đến chùa Ông cách chùa Bà vài trăm mét
Lễ nghinh thần rước sắc khởi hành đến chùa Ông cách chùa Bà vài trăm mét

Ngoài ra Lễ hội có nhiều trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, hát tuồng, đánh bài chòi cổ, biểu diễn võ thuật, múa lân, múa cờ đã thu hút đông đảo khách thập phương đến cúng lễ, cầu nguyện, cầu tự, chiêm bái, vui chơi, giải trí suốt 4 ngày từ 29 tháng Giêng đến 3/2/2018 âm lịch.
 

Nghi lễ được tái hiện trang trọng với hơn 100 người tham gia gồm ban tế lễ là các cụ cao niên, đội nhạc lễ, đội lân, đội cờ và 16 phu kiệu
Nghi lễ được tái hiện trang trọng với hơn 100 người tham gia gồm ban tế lễ là các cụ cao niên, đội nhạc lễ, đội lân, đội cờ và 16 phu kiệu

Tương truyền chùa Bà là nơi thờ Thiên Hậu thánh mẫu, là người có công cứu vớt thuyền bè mắc cạn nơi vùng cảng thị thuở xưa. Trước thế kỷ 17-18, vùng đất An Hòa ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước là vùng đầm lầy nước mặn, chưa có người dân sinh sống. Theo thời gian, vùng đât trở thành một trong những thương cảng nhộn nhịp, sầm uất lớn nhất xứ Đàng Trong có tên trên bản đồ hàng hải của người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha do người Việt và người Hoa (Minh Hương) sinh sống. Những mặt hàng được trao đổi nhiều nhất ở nước mặn là vây cá, tôm khô, sáp ong, gỗ. Ngoài ra còn có những làng nghề làm thuốc bắc, giấy, nhang, tò he đã góp phần tăng thêm sự phồn vinh cho cảng thị.

Chùa Bà đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận Di tích Lịch sử- Văn hóa vào tháng 3/2011.
 

Nghi lễ được tái hiện trang trọng với hơn 100 người tham gia gồm ban tế lễ là các cụ cao niên, đội nhạc lễ, đội lân, đội cờ và 16 phu kiệu
Nghi lễ được tái hiện trang trọng với hơn 100 người tham gia gồm ban tế lễ là các cụ cao niên, đội nhạc lễ, đội lân, đội cờ và 16 phu kiệu
Dâng hương, ban hành lễ rước sắc tại chùa Ông
Dâng hương, ban hành lễ rước sắc tại chùa Ông
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Hàng nghìn du khách đổ về chùa Bà dự Lễ hội đô thị nước mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO