Chùa Nhạn Sơn là một tổ đình nơi có danh lam thắng tích. Năm 1977, đoàn khảo cổ xác định di tích này có từ thế kỷ thứ XIII. Chùa Nhạn Sơn được thành lập vào thế kỷ thứ XVI, được sắc từ thời Tự Đức năm thứ 17 và thời Bảo Đại năm thứ 18, do Ngài Hòa thượng Chi Mẫn khai sáng. Nơi đây đã xuất hiện nhiều danh tăng thạc đức.
Cổng mặt trước chùa Nhạn Sơn |
Chùa Nhạn Sơn tục gọi là chùa Ông Đá, thuộc địa phận thôn Bắc Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn 23km về phía Tây Bắc. Ngôi chùa nằm dưới bóng một vườn xoài, nằm dưới chân đồi núi Long Cốt hay Gò Ba Tháp. Chùa Nhạn Sơn có giá trị lớn về lịch sử và nghệ thuật, là sự giao thoa giữa văn hoá Chăm bản địa và văn hoá Việt.
Cổng mặt sau chùa Nhạn Sơn |
Đặc biệt là hai pho tượng bằng đá sa thạch khổng lồ thờ bên trong khuôn viên chùa. Đây là hai tượng Dvarapalla( Môn Thần) với ý nghĩa người bảo vệ cho đạo pháp, đứng đối xứng nhau 2,3m rất sống động mang phong cách điển hình của nghệ thuật điêu khắc Chămpa thế kỷ XII, XIII.
Hai pho tượng đá cao khoảng 2,8m, một vị sơn đỏ, một vị sơn đen tượng trưng cho ông thiện và ông ác trong tín ngưỡng của người Việt. Theo sử liệu xưa của sử gia Bùi Văn Lăng Bình Định địa sử chí, hay Việt Nam nhất thống chí cũng như sử nay “Nước non Bình Định” của cụ Quánh Tấn, có viết vị sơn đỏ là Huỳnh Tấn Công, quê ở Quảng Nam và vị sơn đen là Lý Xuân Điền, quê ở Quảng Bình.
Chánh điện chùa Nhạn Sơn |
Vị đỏ là con của một nhà hàn nho nghèo, trên đường ra kinh đô Hà Nội thi, ra đến Quảng Bình bị bệnh thiên thời (trên mửa dưới chảy) nên kiệt sức xỉu bên vệ đường. Thân sinh của vị đen là một đại điền chủ đi thăm ruộng thấy một người khôi ngô tuấn tú nằm xỉu bên vệ đường mới đem về chữa trị. Khi bình phục hỏi lai lịch mới biết trên đường đi thi. Ngay lúc đó, trong nhà vị điền chủ có một người con cũng sắp đi thi, nên cho hai vị cùng đi thi. Hai người cùng đi thi thấy nhiều điểm tương đồng ý hợp kết làm bạn chí thân như câu chuyện Lưu Bình – Dương Lễ.
Hai tượng Hộ pháp chùa Nhạn Sơn được công nhận là bảo vật quốc gia. |
Sau khi thi đậu về, vị đỏ đậu quan Văn, vị đen đậu quan Võ. Quan Văn nên tay cầm cây giảng là một cây lệnh có nghĩa xuất nhập bất cấm, tức ra vào trong triều không ai dám gạn hỏi, người có uy tín tuyệt đối với nhà vua mới được ban cây lệnh đó. Quan Võ nên tay cầm kiếm lệnh, tức tiền trảm hậu tấu, nghĩa là bất bình việc gì với ai có quyền chém trước tâu với vua sau, người có uy tín tuyệt đối với nhà vua, vị này làm việc đều đắn đo cân nhắc không oan, không sai một ai mới được ban kiếm lệnh này.
Khi vào thăm vua Chăm gặp lúc vua Chăm bị bệnh, hai vị sơn đỏ, đen dùng thuốc nam chữa khỏi bệnh cho vua. Tiếp đến Xiêm La (Thái Lan) lấn chiếm biên giới Chăm Pa và Việt Nam, hai vị xin vua cầm quân dẹp giặc, đánh quân Xiêm thua chạy, nhưng vị đen là ông Lý Xuân Điền bị bắt làm tù binh. Thái tử Xiêm La cầu hôn em gái ông đỏ. Lấy cơ hội hôn lễ, ông đỏ đòi trả lại vị tướng bị bắt là ông đen. Nhớ công ơn của hai vị đen, đỏ, vua Chăm đã mời thợ điêu khắc giỏi nhất nước tạc tượng hai ông để tỏ lòng cảm mến, biết ơn và lưu niệm cho hậu thế.
Đầu năm mới Canh Tý người dân đến chùa chiêm bái, cầu nguyện |
Theo chia sẻ của trụ trì Thích Thị Hoàng, Chùa Nhạn Sơn người dân thường gọi là chùa “Ông đen ông đỏ”, hai ngài rất linh hiển, dân chúng thường đến cúng bái cầu nguyện việc kia, việc nọ đều đạt, nhất là gia đình khó nuôi con hoặc các cháu hay bị bệnh tật gầy còm ốm yếu, hay các bé khóc dại cả ngày lẫn đêm, đem về bán gửi phật và hai ngài là hết khóc ngay. Trẻ em quanh vùng thường đến cầu xin học giỏi, thị đậu cũng rất đạt với những em có chí, siêng năng, chịu học.