Đây là hoạt động truyền thống có ý nghĩa được lãnh đạo tỉnh Bình Định quan tâm nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi phục vụ nhân dân vui xuân đón tết cổ truyền dân tộc; thông qua công trình nghệ thuật linh vật tạo điểm nhấn cho thành phố Quy Nhơn, phục vụ nhân dân và du khách gần xa trong dịp xuân Nhâm Dần 2022. Công trình xây dựng biểu tượng linh vật năm Nhâm Dần 2022 có kinh phí khoảng 2 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Greenhill Village tài trợ.
Ý tưởng biểu tượng linh vật năm Nhâm Dần 2022 là gia đình Hổ sum vầy với cụm chính là 8 chú Hổ, gồm: hổ bố, hổ mẹ có chiều cao từ 3 đến 3,5 m và 6 hổ con, mỗi con cao gần 1,5 m được tạo hình sinh động, mạnh mẽ, sum vầy bên nhau trên nền danh thắng quần thể Tháp Bánh ít, một kiến trúc Chăm pa nổi tiếng của tỉnh Bình Định được Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1982 và là kiến trúc cổ của Việt Nam được đưa vào cuốn sách "1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời" của nhóm tác giả người Anh.
Đặc biệt vừa qua, quần thể Tháp Bánh ít được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng, tu bổ, nhằm tôn tạo, giữ gìn và phát huy tốt hơn giá trị di tích. Công trình sau khi hoàn thành sẽ thu hút đông đảo du khách đến tham quan, nghiên cứu về giá trị lịch sử, kiến trúc di tích này.
Mặt phía sau của công trình là các cụm biểu tượng phụ như thế võ Lão Hổ thượng sơn; bầu rượu, cụm dưa hấu, bánh chưng, bánh tét; tài lộc; hổ hoạt hình và những cụm hoa xuân điểm xuyến chung quanh.
Tại công trình, đơn vị thi công bố trí, sắp đặt hơn 32 loại hoa, lá, cây cảnh các loại với số lượng hơn 21 nghìn chậu được sắp xếp, bài trí xen kẽ kết hợp triển lãm ảnh về quê hương, đất nước, con người Bình Định do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức tạo nên một bức tranh đầy màu sắc, đậm đà nét văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam và quê hương Bình Định, có bố cục hài hoà trong không gian chung của vườn hoa xuân Nhâm Dần 2022 tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn.