Công năng các công trình văn hóa bị “xẻ thịt”
Thư viện tỉnh Bình Định nằm giao nhau trên trục đường Trần Phú, Hai Bà Trưng và Bà Triệu, TP. Quy Nhơn là nơi phục vụ các tầng lớp bạn đọc trong tỉnh lại xuất hiện quán cà phê nằm lọt trong khuôn viên mang tên “Góc phố dịu dàng”. Theo quan sát của PV, quán cà phê này tự lập hàng rào chắn đường đi, chỉ để một lối nhỏ cho bạn đọc đi vào thư viện. Ngoài ra, một số phòng làm việc của Thư viện tỉnh đã trở thành chỗ ở của nhân viên quán cà phê. Thêm vào đó, khoảng diện tích phía trước và sau trong khuôn viên Thư viện tỉnh đang biến thành bãi đậu, đổ xe ô tô các loại.
Nằm trên trục đường Nguyễn Huệ, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh là địa điểm tham quan lý tưởng cho người dân, du khách về TP. Quy Nhơn tìm hiểu di sản văn hóa Bình Định. Thế nhưng, “án ngữ” mặt trước Bảo tàng Tổng hợp tỉnh là hai quán cà phê, lấn cả không gian trưng bày một số hiện vật ngoài trời như xe tăng, khẩu pháo, súng thần công của Bảo tàng.
Trung tâm Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh) nằm ngay ngã tư giao nhau giữa đường Mai Xuân Thưởng, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, TP. Quy Nhơn. Hiện Trung tâm Văn hóa tỉnh gần một nửa diện tích bị “bủa vây” bởi các dịch vụ kinh doanh như: Quán cà phê Hội quán Văn hóa-Du lịch, CLB Eva Hiếu, CLB Yoga Quang Trung, Cà phê Solar.
Công trình văn hóa đem thuê kinh doanh, dịch vụ
Nói về việc lấy mặt bằng cho thuê quán cà phê, bãi giữ xe, ông Võ Văn Nhiếng - Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định lý giải: Quán cà phê mang tên “Góc phố dịu dàng” đó chỉ là căng tin phục vụ cho bạn đọc để giải khát. Gần 10 năm nay, cơ quan đã ký hợp đồng cho thuê từng năm một (12 triệu đồng/năm) với bà Võ Thị Ngọc Vân có diện tích khoảng 100m2. Riêng bãi giữ xe ô tô, cơ quan cũng tận dụng diện tích phía sau để trống, nên đã cho khoảng 10 chiếc làm chỗ đậu (khoảng 3-5 năm) với giá 300 nghìn đồng/chiếc/tháng.
Ông Bùi Tĩnh - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định cho biết: Các quán cà phê này đã có từ những “đời” nhiệm kỳ trước, giờ tôi chỉ ký lại thôi. Cơ quan đã lấy một phần đất trong khuôn viên với khoảng 100m2 để ký hợp đồng cho thuê từng năm một (7 triệu đồng/tháng) với bà Lê Thị Hoàng Oanh (Chủ Doanh nghiệp thương mại Ba Miên).
Ông Mai Ngọc Thinh - Phụ trách Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Bình Định khẳng định: Trước đây, Trung tâm Văn hóa tỉnh được đầu tư xây dựng mới và đi vào hoạt động năm 2008. Kể từ thời điểm đó, cơ quan đã bắt đầu lấy mặt bằng trong trung tâm cho thuê. Hiện nay, cơ quan đã ký hợp đồng cho thuê từng năm với 03 đơn vị. Trong đó, từ năm 2016 ký hợp đồng cho thuê với Doanh nghiệp Thương mại-Dịch vụ GSM, mang tên Hội quán Văn hoá-Du lịch (30 triệu đồng/tháng); khoảng năm 2010 ký hợp đồng với CLB Eva Hiếu (10 triệu đồng/tháng); năm 2016 ký hợp đồng với CLB Yoga Quang Trung (5 triệu đồng/tháng).
Ngày 13/5/2019, Sở Tài chính Bình Định có công văn số 1136 về việc thẩm định “Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết của các đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao Bình Định”. Theo đó, Sở Tài chính yêu cầu Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Thư viện tỉnh (thuộc Sở VH-TT Bình Định) làm rõ mục đích cho thuê tài sản công và việc cho thuê này đảm bảo phù hợp theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 144/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Bình Định cho biết: Về chủ trương cho thuê mặt bằng của Trung tâm Văn hóa tỉnh, Thư viện tỉnh, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã có sẵn từ lâu. Qua phản ánh của cơ quan báo chí, chúng tôi sẽ kiểm tra lại việc cho thuê mặt bằng tại những đơn vị này có đúng hay không.
Các thiết chế văn hóa tại tỉnh Bình Định được đầu tư xây dựng từ ngân sách của tỉnh với kinh phí hàng tỉ đồng. Các công trình văn hóa này, đều nằm trên những khu đất vàng, có vị trí đắc địa trong trung tâm TP. Quy Nhơn để tạo sân chơi bổ ích, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng nó đã bị chính các cơ quan quản lý “xẻ thịt” tài sản công cho thuê không đúng mục đích, không đúng công năng, không phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngành.