Tham dự buổi Lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung. Cùng tham dự còn có Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh và lãnh đạo 9 tỉnh có chung di sản cùng đông đảo nhân dân của tỉnh Bình Định.
Bài chòi một loại hình nghệ thuật dân gian, hình thành và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, giao lưu văn hóa của người Việt khi vào định cư, khai phá vùng đất Đàng Trong cách đây từ nhiều thế kỷ. Qua những thăng trầm lịch sử, bài chòi đã bám rễ trong tâm hồn, không gian sống của người Trung bộ. Từ các làn điệu, lời ca bình dị ngọt ngào, bài chòi đã đi vào lòng người trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở 9 tỉnh, thành miền Trung: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Ngày 7/12/2017, phiên họp Ủy Ban liên chính phủ công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO tại Hàn Quốc, di sản nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tin vui không chỉ riêng của các tỉnh nằm trên dải đất Trung Bộ mà còn là niềm tự hào chung của cả nước.
Diễn văn tại buổi Lễ, ông Hồ Quốc Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định: Trong thời gian tới, 9 tỉnh, thành dưới sự chủ trì của Bộ VH - TT&DL sẽ quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam. Trong đó, chú trọng tổ chức tập huấn, kiểm kê hàng năm, nhận diện, tư liệu hóa di sản, phục hồi các thành tố đã mai một, những tri thức dân gian liên quan và định kỳ tổ chức liên hoan bài chòi. Xây dựng các chương trình giáo dục, giới thiệu, quảng bá di sản gắn với phát triển du lịch. Tôn vinh các cá nhân, câu lạc bộ, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Sau khi nhận bằng của UNESCO, ông Nguyễn Ngọc Thiện- Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã trực tiếp trao lại cho đại diện lãnh đạo, nghệ nhân của 9 tỉnh Trung bộ sở hữu di sản bài chòi. Nhân dịp này, ông Nguyễn Ngọc Thiện đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam (giai đoạn 2018 - 2023) gồm 5 nội dung. Mục đích chương trình nhằm công bố, kêu gọi các bộ, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan hữu quan, cộng đồng các địa phương là chủ thể của di sản Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam và nhân dân cả nước cùng thực hiện chương trình để bảo vệ bền vững và phát huy hiệu quả di sản quý giá trên.
Cũng tại buổi Lễ, ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là 9 tỉnh miền Trung cũng như toàn thể cộng đồng nhân dân địa phương, các nghệ sĩ và những người đã đóng góp vào thành tích nghệ thuật văn hóa bài chòi được ghi danh vào danh sách các di sản đại diện của nhân loại. Đây là sự ghi nhận rất xứng đáng. UNESCO đánh giá cao sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài chòi với những hướng dẫn cụ thể, trong đó có việc mở rộng không gian biểu diễn, trao đổi và chia sẻ những tham luận, nghiên cứu, tư liệu hóa và xuất bản về Bài chòi.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ niềm vui to lớn cùng với toàn thể cộng đồng thực hành nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ: “Trong suốt 10 năm qua, hai chữ Việt Nam thân thương của chúng ta luôn được xướng lên tại các Hội nghị của tổ chức UNESCO khi một di sản thiên nhiên, một di sản văn hoá hay một di sản ký ức thế giới của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được thế giới vinh danh. Năm nay, UNESCO vinh danh nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, di sản văn hoá phi vật thể thứ 12 của Việt Nam chính là vinh danh những con người anh dũng, kiên trung nhưng đậm chất dí dỏm, sáng tạo và yêu thơ ca của mảnh đất miền Trung đầy nắng gió bởi lẽ bài chòi là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp mang tính sáng tạo và giải trí cao, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xướng, hội họa và văn học”.
Thủ tướng cho rằng, cùng với niềm tự hào là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật Bài Chòi trước quốc tế vì từ nay di sản này không chỉ của riêng Việt Nam mà đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Chính phủ Việt Nam long trọng cam kết cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, cộng đồng thực hành di sản, các cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di sản “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam”, cũng như các di sản khác mà UNESCO đã công nhận, đảm bảo rằng “cái gì thuộc cộng đồng sẽ trả về cho cộng đồng” và qua đó chia sẻ các bài học thành công với các quốc gia, dân tộc có di sản tương đồng trên thế giới”. “Hãy để tiếng ca Bài Chòi được vang lên trong từng gia đình, ngõ xóm của toàn bộ vùng đất miền Trung Việt Nam, để tiếng cười lan toả khắp muôn nơi, mang cho chúng ta niềm lạc quan về thế và lực mới của dân tộc Việt Nam”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Điểm nhấn của buổi Lễ đón nhận là chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Âm vang nghệ thuật Bài Chòi” với sự tham gia của 400 diễn viên của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nghệ nhân, diễn viên quần chúng các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ đón bằng di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam thật sự là ngày hội lớn, niềm vinh dự của nhân dân các tỉnh miền Trung. Từ đây Nghệ thuật Bài Chòi sẽ kết nối, sẽ đồng hành với “con đường di sản miền Trung” để làm tăng thêm giá trị các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể trên vùng đất Trung Bộ, góp phần làm giàu cho quê hương đất nước.
Một số hình ảnh về chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Âm vang nghệ thuật Bài Chòi”: