Nhà máy thủy điện Tiên Thuận vận hành xả nước gây sạt lở đất
Nhà máy thủy điện Tiên Thuận của Công ty CP Tiên Thuận nằm ở thượng nguồn sông Kôn, thuộc địa bàn xã Tây Thuận có công suất lắp máy 9,5 MW. Cuối năm 2014, Nhà máy đưa vào vận hành hai tổ máy phát điện. Khi đi vào hoạt động, sản lượng điện năng trung bình hàng năm của nhà máy trên 40 triệu KWh, góp phần bổ sung vào nguồn điện năng đang thiếu hụt của quốc gia. Đồng thời, Nhà máy còn cấp nước tưới cho khoảng 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp ở xã Tây Thuận.
Nhà máy thủy điện Tiên Thuận |
Thế nhưng, theo phản ánh của người dân địa phương, gần 3 năm nay những đoạn kè do Nhà máy thủy điện Tiên Thuận xây dựng để chống sạt lở đất sản xuất của người dân đã hư hỏng nặng. Vì thế, mỗi lần Nhà máy vận hành xả nước gây xói mòn, sạt lở đất sản xuất nông nghiệp của hàng chục hộ dân. Nhiều mỏm đất bị nước cuốn trôi, khoét sâu tạo thành hàm ếch, khiến nhiều diện đất trồng cây hoa màu của người dân bị mất trắng. Chưa kể nước đầu nguồn trên núi đổ xuống gây ngập úng đồng ruộng của người dân do bị cản trở dòng chảy từ Nhà máy.
Ba ống xả nước từ Nhà máy thủy điện Tiên Thuận |
Kể chuyện với Pv Báo TN&MT, bà Nguyễn Thị Đẹt ở xóm 1, thôn Hòa Thuận, xã Tây Thuận cho biết: Trước đây, khi nhà máy chưa vận hành, hàng năm, gia đình tôi luân phiên vụ mùa trồng đậu, ớt, bắp tại mảnh đất ở cánh đồng Soi Sum. Mỗi năm, tôi thu về trên 60 triệu đồng nên cuộc sống ổn định, có đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, những năm gần đây, đất sản xuất đã bị đổ ụp xuống sông nên không thể trồng trọt được. Từ đó, gia đình tôi cũng mất luôn kế sinh nhai, cuộc sống vô cùng bấp bênh, bởi gần 665m2 đất nông nghiệp của gia đình tôi đã bị cuốn trôi nên không thể canh tác mà nguyên nhân là do Nhà máy thủy điện Tiên Thuận xả nước gây ra.
Đất trồng hoa màu bị bỏ hoang hóa |
Cùng chung cảnh ngộ, bà Trần Thị Tuyết Sương, ngụ xóm 1, thôn Hòa Thuận chia sẻ: Hàng chục năm qua, gia đình tôi có hơn 600m2 đất sản xuất nông nghiệp để trồng hoa màu tại cánh đồng Soi Sum. Thế nhưng hiện nay, hơn một nửa diện tích đất này bị nước xả từ Nhà máy thủy điện Tiên Thuận cuốn trôi. Khoảng 300m2 diện tích đất còn lại hiện gia đình tôi đang trồng ớt, nhưng không biết sẽ bị cuốn trôi khi nào.
Nước xả từ Nhà máy thủy điện Tiên Thuận chảy ra đất sản xuất người dân
|
Công ty biến mất để lại người dân với nỗi đau mất đất sản xuất
Câu chuyện Công ty CP Tiên Thuận vận hành, hoạt động Nhà máy thủy điện Tiên Thuận xả nước gây sạt lở đất sản xuất nông nghiệp của người dân khiến người dân không còn đất sản xuất chưa thật sự rơi vào tình cảnh trớ trêu như những hộ dân bị thu hồi đất sản xuất để nhường đất cho Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Hồng Hải xây dựng Nhà máy sản xuất ván lạng, ván ép và chất đốt xanh tại cụm công nghiệp Cầu 16.
Điều đáng nói là hiện nay Công ty này đã “cao chạy xa bay” không triển khai xây dựng Nhà máy như chủ trương ban đầu và để lại nỗi đau cho người dân xã Tây Thuận không có đất sản xuất nông nghiệp trong khi đất bỏ hoang, cỏ mọc xanh um.
Khu đất xây Nhà máy sản xuất ván lạng, ván ép và chất đốt xanh bỏ hoang |
Câu chuyện bắt đầu từ khi người dân nhận được Thông báo thu hồi đất số 10, ngày 12/02/2018 của UBND huyện Tây Sơn để xây dựng Nhà máy sản xuất ván lạng, ván ép và chất đốt xanh. Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi 63.677,70m2, trong đó, 45.580,97m2 đất đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân sản xuất và 18.096,73m2 đất do UBND xã Tây Thuận quản lý sử dụng, gồm các loại đất trồng cây lâu năm, đất bằng chưa sử dụng, đất rừng trồng sản xuất và bờ hoang.
Chia sẻ với Pv Báo TN&MT, ông Trương Thanh Sơn ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận cho biết: Khi nhận được Thông báo thu hồi đất của UBND huyện Tây Sơn, các hộ dân đều giao đất lại cho nhà nước và dừng canh tác hoa màu đến nay đã hai năm. Tôi bị thu hồi 4.500m2 đất sản xuất nhưng đến nay tôi cùng các hộ khác vẫn chưa nhận tiền bồi thường từ phía chính quyền và doanh nghiệp. Chúng tôi làm đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền trả lời cho dân biết Nhà máy sản xuất ván lạng, ván ép và chất đốt xanh có xây dựng hay không hoặc có trả lại đất cho dân khi nhà máy không triển khai, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Chính quyền nói doanh nghiệp chấp nhận bồi thường cho dân
Làm việc với Pv Báo TN&MT, ông Nguyễn Văn Chín - Chủ tịch UBND xã Tây Thuận cho biết: Đối với Công ty CP Tiên Thuận vận hành hoạt động Nhà máy thủy điện Tiên Thuận xả nước gây sạt lở đất sản xuất của người dân, sau nhiều lần có đơn của người dân và kiến nghị của UBND xã Tây Thuận thì Công ty đã lên phương án bồi thường cho 12 hộ dân bị ảnh hưởng mất đất sản xuất với số tiền 737.772.000 đồng. Thời gian tới, Công ty sẽ phối hợp với UBND xã tiến hành mời các hộ dân lên nhận tiền bồi thường đất hoa màu.
Người dân thiệt hại vì mất đất sản xuất |
Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Hồng Hải sau khi xin chủ trương đầu tư, có quyết định thu hồi đất và phương án đền bù, nhưng không hiểu vì sao lại bỏ đi nơi khác không triển khai xây dựng Nhà máy. Riêng trường hợp các hộ dân bị ảnh hưởng thu hồi đất để xây dựng Nhà máy sản xuất ván lạng, ván ép và chất đốt xanh thì UBND xã đã kiến nghị lên UBND huyện Tây Sơn xin chủ trương UBND tỉnh dùng tiền doanh nghiệp nộp ký quỹ đầu tư để trả bồi thường cho người dân nhưng chưa biết kết quả như thế nào.
Đất trồng hoa màu của người dân bị sụt lún, hoang hóa |
Như vậy, người dân xã Tây Thuận vẫn tiếp tục ngóng đợi chờ nhận tiền đền bù thiệt hại đất hoa màu từ doanh nghiệp. Mong rằng các cấp chính quyền tỉnh Bình Định cần có câu trả lời để người dân an tâm sinh sống sớm ổn định cuộc sống.