(TN&MT) - Cát bồi lấp ngày càng trầm trọng khiến cửa biển Tam Quan (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bị thu hẹp dần. Do đó, tàu có công suất lớn gặp khó khăn và nguy hiểm mỗi khi ra vào cảng cá Tam Quan. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều phương án khắc phục, trong đó có việc nạo vét, khơi thông luồng, nhưng chưa giải quyết được dứt điểm.
Nạo vét chưa khả thi?
Toàn huyện Hoài Nhơn có trên 2.300 tàu thuyền, chủ yếu hành nghề khai thác câu cá ngừ đại dương, câu mực hoặc lưới vây ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, DK1… Tổng diện tích khu neo đậu ở cảng cá Tam Quan khoảng 70 ha, nhưng hiện chỉ còn 20 ha. Diện tích còn lại bị bồi lấp do phù sa, bùn, rác thải tích tụ. Hiện nay, Công ty TNHH Tân Lập nạo vét bình quân mỗi ngày từ 200 - 300m3 cát.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, trăn trở: “Huyện đã mời cả nhà khoa học, người có chuyên môn giỏi trong và ngoài tỉnh tìm “kế sách” giải quyết tình trạng cửa biển Tam Quan bị cát bồi lấp. Tuy nhiên đến nay, chưa có giải pháp nào mang tính đột phá, bền vững để xử lý dứt điểm hiện tượng này. Công việc hiện nay cũng chỉ là nạo vét, khơi thông luồng, song phương án này chỉ mang tính tạm thời”.
Từ năm 2015 - 2020, huyện Hoài Nhơn triển khai Dự nạo vét luồng lạch và tận thu cát bồi lấp tại cửa biển Tam Quan. Dự án có quy mô nạo vét trên tổng chiều dài 1.278, bề rộng nạo vét thông luồng 60m và vùng quay tàu 120m, kinh phí thực hiện trên 37 tỉ đồng được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2015 - 2016) thực hiện bằng vốn ngân sách Nhà nước với khối lượng cát nạo vét 94.000m3 cát. Giai đoạn 2 (2017 - 2020) thực hiện theo hình thức xã hội hóa do Công ty TNHH Tân Lập thực hiện với khối lượng nạo vét cát theo thiết kế 220.370m3. Đến nay, khối lượng cát nạo hút lên bờ đã trên 393.000m3, vượt kế hoạch được duyệt. Vừa qua, huyện Hoài Nhơn có văn bản xin của tỉnh gia hạn để đơn vị thi công tiếp tục công việc nạo vét cát nhằm tạo điều kiện cho tàu thuyền ra vào được an toàn.
Theo bà con ngư dân ở địa phương, giải pháp nạo vét cát, khơi thông luồng cửa biển Tam Quan được UBND huyện Hoài Nhơn xây dựng là rất tốt, song quá trình thực hiện từ đơn vị thi công chưa phù hợp. Ngư dân Ghê Bẹ, ở thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc, cho rằng: “Ở đầu kè chắn sóng hiện nay xuất hiện cồn cát khá lớn, tạo thành vạt dài. Đơn vị thi công lẽ ra phải ưu tiên nạo vét khu vực này để khơi luồng cho tàu thuyền ra vào. Ngược lại, họ chủ yếu bố trí máy móc, phương tiện sâu trong cửa biển để hút cát với dụng ý tận thu cát để san nền”. Ngư dân cũng cho biết tàu thuyền ra vào cửa biển Tam Quan hiện rất khó khăn và nguy hiểm. Năm 2018, đã có tàu cá bị mắc cạn trong luồng hoặc bị va đập ở đầu cửa biển khiến ngư dân chịu nhiều thiệt hại. Đơn cử như tàu cá BĐ 98236 - TS trong lúc vào cửa biển Tam Quan đã bị va đập khiến thân tàu bị thủng.
Về ý kiến này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn ông Nguyễn Chí Công, cho rằng: Tàu này bị va do đụng phải cột bê tông nằm sâu dưới nước. Bởi trước đây, trong lúc thi công kè chắn sóng Tam Quan đơn vị thi công có bỏ sót 2 cột bê tông, mỗi cột nặng 9 tấn ở vị trí đầu kè. Do vậy, có không ít tàu mỗi khi qua khu vực này bị đụng phải. Song vừa rồi, huyện đã giao Ban quản lý cảng cá Tam Quan trục vớt. Cái khó hiện nay, khối lượng cát bồi lấp ở cửa biển quá lớn, đơn vị thi công đã nỗ lực, song cũng không thực hiện xuể. Do vậy, huyện đã giao Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện xây dựng tờ trình về việc kết thúc dự án nạo vét khơi thông luồng kết hợp với tận thu cát nhiễm mặn khu vực cửa biển Tam Quan trước thời hạn để đánh giá lại phương án nạo vét; đồng thời, khảo sát và nghiên cứu thêm giải pháp xử lý cát bồi lấp ở khu vực cửa biển.
Chông chênh và nguy hiểm!
Cát bồi lấp quá lớn, dẫn tới đường lạch ra vào cửa biển Tam Quan hiện nay bị thu hẹp đến mức không đủ chỗ để tàu quay đầu. Các tàu có công suất lớn hành nghề câu cá ngừ đại dương, hoặc mành chụp muốn ra vào khu neo đậu tại cảng phải thuê tàu làm lai dắt. Tuy nhiên, việc cát bồi lấp nặng ở cửa biển, đặc biệt là tại vị trí đầu kè chắn sóng buộc ngư dân phải di chuyển tàu qua khu vực bãi con (cạnh núi Trường Xuân). Song, khu vực này sóng gió khá lớn, nên tàu thuyền ra vào đây rất nguy hiểm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.
Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Tam Quan, đánh giá: “Cửa biển Tam Quan đang bị cát bồi lấp nặng. Hiện nay, tàu muốn ra vào cảng gần như phải chờ thủy triều lên trong khoảng 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Do đó, những thời điểm tàu thuyền ra vào cảng cùng một lúc để nhập thủy hải sản, hoặc lấy tổn cho chuyến đánh bắt mới thường gặp vô vàn khó khăn. Đó là chưa kể, thời điểm có gió cấp 5, cấp 6 thì tàu thuyền gần như không thể ra vào cảng”.
Hiện nay, dự án quy hoạch cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, huyện đã thực hiện quy hoạch chi tiết 1/500 giai đoạn 1 với diện tích gần 30 ha gồm: khu cảng cá loại 2; khu neo đậu, tránh trú bão; hệ thống hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá, hệ thống giao thông… Song, để phát triển được hạ tầng, dịch vụ bên trong cảng cá, trước mắt, huyện Hoài Nhơn cần tìm ra hạ sách giải quyết dứt điểm hiện tượng cát bồi lấp ở khu vực cửa biển Tam Quan. Bài toán này đang rất nan giải. Do vậy, câu chuyện tàu thuyền chật vật mỗi khi ra vào cảng cá Tam Quan vẫn chưa có hồi kết!.