Bình Định: Công ty TNHH Diệp Hoàng Phát làm Nhà máy sản xuất đồ gỗ hay đá?

19/12/2018 10:02

(TN&MT) - Thoạt nhìn không ai nghĩ rằng Công ty TNHH Diệp Hoàng Phát tại thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) làm sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Bởi toàn bộ phần đất được thuê, Công ty không dành phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy sản xuất đồ gỗ mà chỉ khai thác, đục đẽo đá tảng lăn ở đồi núi Thơm làm đá chẻ thành phẩm như công trường khai thác mỏ đá.

Thoạt nhìn không ai nghĩ rằng Công ty TNHH Diệp Hoàng Phát làm sản xuất đồ gỗ xuất khẩu
Thoạt nhìn, không ai nghĩ rằng Công ty TNHH Diệp Hoàng Phát làm sản xuất đồ gỗ xuất khẩu

UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 262 ngày 24/5/2011 cho Công ty TNHH Diệp Hoàng Phát thuê 11.665,8m2 đất thuộc thửa đất số 13, tờ bản đồ số 14 xã Phước Thành, huyện Tuy Phước để xây dựng Nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, thời hạn thuê đất 50 năm kể từ ngày ký Quyết định.

Trong Quyết định nêu rõ: Công ty TNHH Diệp Hoàng Phát phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới được giao, thi hành đúng các quy định về bảo vệ môi trường, các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác có liên quan.

Mặt bằng nhà xưởng đồ gỗ biến thành công trường khai thác đá và đá chẻ để ngồn ngang
Mặt bằng nhà xưởng đồ gỗ biến thành công trường khai thác đá và đá chẻ để ngồn ngang

Thế nhưng, chừng ấy năm trôi qua, Nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đâu chẳng thấy, chỉ thấy hiện hữu nhiều năm nay là công trường khai thác, đục đẽo đá tảng lăn trên khu vực đất đồi núi Thơm ngay tại khu đất được thuê.

Nguyên cả khối đá lớn núi Thơm bị Công ty TNHH Diệp Hoàng Phát khai quật thành đá chẻ, đất đồi ngày càng bị lẹm sâu vào phía trong núi tạo thành hốc đất nham nhở, ăn sâu vào lòng núi. Nhiều năm nay, Công ty này cứ thản nhiên “ăn” trọn nguồn tài nguyên đá núi Thơm mà không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào cho nhà nước. Hay nói một cách đơn giản là doanh nghiệp lợi dụng việc cải tạo, xây dựng mặt bằng Nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu để khai thác đá, đất trục lợi tài nguyên khoáng sản tại núi Thơm.

Đất đồi núi Thơm ngày càng bị lẹm sâu vào phía trong núi tạo thành hốc đất nham nhở
Đất đồi núi Thơm ngày càng bị lẹm sâu vào phía trong núi tạo thành hốc đất nham nhở

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Lê Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết: Công ty TNHH Diệp Hoàng Phát thuê đất làm mặt bằng Nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, Công ty đã làm xưởng, diện tích còn lại làm mặt bằng nhà máy, trong phần đất thuê làm xưởng có khối đá lớn. Trước kia mặt bằng khu đất là hòn núi Thơm, muốn mở xưởng phải làm mặt bằng, có mặt bằng mới xây dựng nhà máy được, khối lượng đá lấy cũng không lớn, chủ yếu là đá tảng lăn.

Cán bộ địa chính xã Phước Thành cho biết thêm, Công ty khai thác, chẻ đá để làm mặt bằng nhà xưởng gỗ. Việc lấy đá đáng lẽ phải làm thủ tục xin cấp phép khai thác đá.

Công ty TNHH Diệp Hoàng Phát nằm ngay mặt đường QL19C hàng ngày vẫn khai thác, đục, đẽo đá gây tiếng ồn nhưng vẫn không bị xử lý
Công ty TNHH Diệp Hoàng Phát nằm ngay mặt đường QL19C hàng ngày vẫn khai thác, đục, đẽo đá gây tiếng ồn nhưng vẫn không bị xử lý

Khối lượng đá tảng lăn tại núi Thơm dù ít hay nhiều thì vẫn là tài nguyên quốc gia chưa được phép khai thác thì cần phải quản lý, bảo vệ tại địa phương. Không thể viện cớ mở rộng, cải tạo xây dựng nhà xưởng thì doanh nghiệp có quyền ngang nhiên khai thác tài nguyên khoáng sản chưa được cấp phép và né tránh nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.

Thiết nghĩ, cần một cuộc thanh kiểm tra việc khai thác đá tảng lăn tại núi Thơm của Công ty TNHH Diệp Hoàng Phát để thấy rằng 8 năm qua nguồn tài nguyên này chảy về đâu, “ai” được hưởng lợi và “ai” chống lưng cho doanh nghiệp khai thác đá trong suốt thời gian qua, chính quyền địa phương đều biết mà không xử lý?.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Công ty TNHH Diệp Hoàng Phát làm Nhà máy sản xuất đồ gỗ hay đá?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO