Bình Định: Chuyện về bảo vật quốc gia “Phật lồi”

Mỹ Bình | 22/04/2022 21:06

Cách đây hơn 3 năm, tượng Thần Shiva chùa Linh Sơn (Phật lồi) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là bảo vật có giá trị về lịch sử, văn hóa độc đáo của vùng đất Bình Định. Bảo vật quốc gia này hiện đang lưu giữ tại chùa Linh Sơn, xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn.

Để tìm hiểu sự kỳ bí, huyền thoại của tượng “Phật lồi” nằm trong bán đảo du lịch Phương Mai, từ trung tâm thành phố Quy Nhơn, chúng tôi chạy khoảng 20 phút bằng xe máy qua cầu Nhơn Hội rồi thẳng hướng phía Tây (con đường cũ đi về Cát Tiến) đến chùa Linh Sơn nằm ở xã Nhơn Hội.

z3359510876961_567f8b9f32033d465f2e542ee6deeabb.jpg
 Tượng "Phật lồi" đang được lưu giữ tại chùa Linh Sơn 

Tại đây, ông Bùi Văn Ngọc - là hậu duệ nhiều đời gắn bó với tượng “Phật lồi” kể cho chúng tôi nghe về giai thoại cũng như câu chuyện kỳ lạ của bảo vật quốc gia này. “Cách đây khoảng 200 năm, ở thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, pho tượng được người dân tình cờ phát hiện nằm trong lòng đất của ruộng canh tác dưới chân đồi. Sau đó pho tượng được dân làng lập đền thờ và tôn kính như một vị Bồ Tát nên gọi là Phật lồi. Sau nhiều lần di chuyển, tượng được thờ trong ngôi chùa nằm trong dãy núi Phương Mai, gọi là chùa Linh Sơn.

z3359511857925_a062284e440e9499bdce2d463f0b0451.jpg
Ông Bùi Văn Ngọc là hậu duệ nhiều đời gắn bó với tượng “Phật lồi”.

“Năm 2011, làng chài Hải Giang phải giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án du lịch, chùa Linh Sơn được dời về thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội và pho tượng Phật lồi cũng được đem về thờ cúng từ đó đến nay. Những năm qua có rất nhiều khách du lịch ghé tham quan cũng như tìm hiểu về tượng “Phật lồi”. Đấy là điều đáng vui mừng cho một bảo vật quốc gia đã phát huy được giá trị của nó”, ông Bùi Văn Ngọc kể.

z3359513930531_c9a889ab92b10100bea2a74f84ed9046.jpg
 Tượng "Phật lồi" là bảo vật quốc gia 

Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ, làng Hải Giang xưa, vốn là khu vực cư trú của người Chăm. Gần mép biển và trên các dãy núi xung quanh làng hiện nay vẫn còn dấu tích của một tường thành cổ được cho là của người Chăm xây dựng. Tại các địa danh như: Gò Thịnh, Gò Luôn, Ụ Đầm Bé, Gò Giếng Hời, mỗi khi đào đất lên canh tác, người dân tìm thấy rất nhiều lớp gạch Chăm, bình, hũ sành. Pho tượng thần Siva, dưới phần chân đế có chốt cắm ở phía sau, dấu hiệu cho thấy có lẽ tượng nguyên thuỷ được thờ trong một ngôi tháp nào đó, nay đã bị sụp đổ?

z3359513927234_5c53b779bb552a52a572ce9805339e0f.jpg
  Tượng “Phật lồi” có chất liệu sa thạch

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, tượng “Phật lồi” có chất liệu sa thạch với kích thước: cao 80 cm, rộng 49c m, dày 21 cm, trọng lượng 500 kg và được xác định niên đại khoảng thế kỷ XV.

Tượng cổ là một người đàn ông ngồi trầm tư trong tư thế nhìn thẳng về phía trước, hai chân xếp bằng, tay trái tựa lên đùi và để ngửa lòng bàn tay ngay trước rốn, tay phải cầm chuỗi tràng hạt dài đưa lên ngang tầm ngực để đầu kia của chuỗi tràng hạt buông xuống lòng bàn tay trái bên dưới. Người đàn ông được tạc có khuôn mặc bầu, với bộ râu dài che lấp cổ, đôi mắt lim dim như đang suy nghĩ.

Theo Bảo tàng Bình Định, trong nghệ thuật điêu khắc Champa, hình tượng thần Shiva thường được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau, khi thì được thể hiện dưới dạng tượng nhân dạng (trường hợp tượng vua Pô Rômê ở Ninh Thuận), chính là tượng thần Shiva dưới hình thức vị thần tối cao); khi thì thể hiện dưới dạng Mukhalinga (trường hợp vua Po Klong Garai biến tướng dưới dạng cột lửa hình Linga, biểu tượng của thần Shiva). Nhưng thần Shiva (Phật lồi) ở chùa Linh Sơn có những biểu hiện rất đặc biệt như chữ “om” trên mũ, chữ số ba ở giữa trán, bộ râu dài nhọn đầu, tay cầm tràng hạt được thể hiện dưới dạng tạc thành pho tượng thờ và phía sau lưng có tấm bia ký.

Có thể nói đây là một tác phẩm điêu khắc Champa có hình thức khác biệt so với các hình thần Shiva phát hiện ở Bình Định và là hiện vật độc bản, một tượng nhân dạng Shiva đặc sắc trong nghệ thuật điêu khắc Champa. Đối với di sản văn hóa Champa, minh văn có giá trị về văn bản học cực kỳ quan trọng. Việc nghiên cứu giải mã minh văn trên pho tượng này giúp các nhà nghiên cứu minh văn học làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa, tôn giáo của vương quốc Champa giai đoạn định đô ở Viyaja từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV.

Ông Bùi Tĩnh - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết: Bảo vật quốc gia tượng Thần Shiva ở chùa Linh Sơn, thời gian qua được đơn vị hướng dẫn nhà chùa, các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành trong việc giữ gìn, bảo quản an toàn bảo vật. Hiện nay, tượng “Phật lồi” đặt thờ trang trọng trong chánh điện tại Chùa Linh Sơn gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương và phục vụ du khách đến chiêm ngưỡng, vì thế nhà chùa giữ gìn, chăm nom cẩn thận và lắp các camera an ninh để theo dõi bảo vệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Định: Chuyện về bảo vật quốc gia “Phật lồi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO