Trong thần thoại của Ấn Độ, Garuda là loài chim thần được coi là vua của mọi loài chim. Garuda là kẻ thù truyền kiếp của rắn Naga, bởi lẽ Mẹ Garuda bị Mẹ rắn Naga giết chết, nên chim thần Garuda và rắn Naga có mối thù với nhau. Hễ gặp rắn Naga là chim thần Garuda liền xé xác trả thù. Sau này, thần Vishnu thu phục được và Garuda trở thành vật cưỡi của thần.
Chim thần Garuda là hình tượng phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Champa. Hình tượng Garuda trong điêu khắc Chăm thường gắn với thần Vishnu hoặc trong tư thế diệt rắn Naga. Trong nghệ thuật điêu khắc Champa, hình tượng chim thần Garuda được ghi nhận sớm nhất là trên bệ thờ Mỹ Sơn E1. Sau này, trải qua nhiều giai đoạn, hình tượng chim thần Garuda lại có sự thay đổi về hình dáng cũng như họa tiết trang trí. Phù điêu chim thần Garuda diệt rắn tại tháp Mắm cũng thể hiện theo một cách riêng mà không có bức phù điêu chim thần Garuda nào có trước đây.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn với cách thể hiện độc đáo, đầu nhìn nghiêng, thân hướng phía trước, tạo hình đối xứng, sự cường điệu về tạo hình cơ thể, đeo đồ trang sức dày đặc, mang đặc trưng của phong cách Tháp Mắm cùng với chức năng trang trí trên bờ tường cửa tháp tạo nên tính chất hoành tráng, uy nghiêm của kiến trúc chỉ có phát hiện tại phế tích tháp Mắm.
Đặc biệt hơn, cũng tại phế tích Tháp Mắm phát hiện được các tượng chim thần Garuda trang trí góc chân tháp tạo dáng thành cột hình người, mang đặc điểm của phong cách nghệ thuật Khmer. Về cách tạo hình tư thế và chức năng cũng hoàn toàn khác so với các bức phù điêu Garuda diệt rắn nói trên.
Có thể nói, phù điêu chim thần Garuda diệt rắn phát hiện ở phế tích Tháp Mắm không chỉ mang tính hình thức độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc Champa mà còn trong nghệ thuật điêu khắc của Đông Nam Á. Bởi vì chỉ có tại phế tích tháp Mắm mới có loại hình phù điêu chim thần Garuda diệt rắn đặc biệt này, ngay cả các di tích Chăm cùng không gian hoặc thời gian cũng không phát hiện được.
Xuất phát từ những giá trị về hình thức độc đáo, hiện vật đại diện cho một phong cách nghệ thuật và nguồn gốc nơi phát hiện cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn thể hiện đối xứng nhau ở Tháp Mắm nên Bảo tàng Tổng hợp Bình Định lập hồ sơ đăng ký hai hiện vật này đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia.