Chúng tôi trở lại Khu tái định cư (TĐC) Đồng Sam trong không khí cả nước hân hoan chào mừng Tết Độc lập - kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Khác với hình hài trống huơ, lác đác 7 năm về trước, giờ đây, mảnh đất yên bình Đồng Sam đã ken dày những ngôi nhà ngói đỏ, hòa mình trong tiếng cười nói rôm rả của đông đảo cư dân. Cùng với đó, hệ thống điện, đường, trường, trạm và cả nước sinh hoạt cũng được đầu tư đầy đủ, khang trang; qua đó giúp cuộc sống của người dân nơi đây trở nên tốt hơn.
An yên ở vùng đất mới
Chị Phạm Thị Yến, một cư dân đang sinh sống ở Khu TĐC Đồng Sam, phấn khởi nói: “Cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của gia đình đã trở nên ấm êm hơn từ khi Nhà nước cấp đất, hỗ trợ tiền để cất nhà. Chúng tôi thật sự có được cảm giác an yên khi về mảnh đất Đồng Sam này”.
Gia đình chị Yến trước đây sinh sống ở vùng đồng trũng chợ Lẫm, thôn Quảng Vân. Do vậy, bão, lũ mỗi khi xảy ra là căn nhà cấp 4 tuềnh toàng của chị luôn bị ngập nước. Đồ đạc, vật dụng sinh hoạt trong nhà vì thế cũng bị hư hỏng, đóng rong mỗi mùa lũ đi qua. Đến năm 2011, Nhà nước thực hiện việc rà soát, cấp đất TĐC cho bà con sinh sống vùng thấp trũng, vùng sạt lở và chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Thời điểm nay, gia đình chị Yến là một trong số các hộ dân được ưu tiên xét duyệt, di dời sớm hơn cả. “Ở đây, điện, đường, nước mọi thứ đều rất tốt. Không gian khu TĐC thì khá thoáng, sạch sẽ đã giúp cuộc sống không chỉ tôi mà nhiều hộ khác trở nên an toàn, tốt hơn. Giờ đây, vợ chồng tôi có thể an tâm làm ăn, nuôi con ăn học và không còn cảm giác phập phù lo sợ mỗi khi bão, lũ về”, chị Yến tỉ tê.
An tâm! Đó còn là cảm giác của 99 hộ dân khác đang sinh sống ở Khu TĐC Đồng Sam. Ông Trần Anh Bảo, 41 tuổi, thổ lộ: “Trước năm 2011, gia đình tôi xây dựng tạm ngôi nhà ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận. Ngôi nhà cũ khi ấy có chung đặc điểm là cứ mưa xuống là nước ngập lênh láng. Vì thế, cả nhà tâm lý lúc nào cũng lo lắng, nên chẳng tập trung vào công việc làm ăn được. Cuộc sống do đó cứ lay lắt và được đắp đổi qua ngày bằng khoản tiền nhỏ từ nghề đánh bắt thủy hải sản trên đầm Thị Nại. Bây giờ, cuộc sống gia đình đã ổn, tốt hơn sau 7 năm lên xây dựng nhà cửa, sinh sống ở Khu TĐC này. Con cái được đi học. 2 vợ chồng tôi cũng toàn tâm toàn ý cho công việc khai thác thủy sản hơn”.
Khởi sắc Đồng Sam!
Để tạo điều kiện cho người dân sinh sống ở Khu TĐC Đồng Sam, chính quyền địa phương không chỉ tỏ trong việc chọn lựa một vùng đất cao ráo, an toàn. Điều đáng mừng, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng trong Khu TĐC này cũng được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Sau khi được đầu tư 350 triệu đồng, Điện lực Tuy Phước đã thi công lắp đặt 44 móng cột, kéo 1.800 m đường điện hạ thế và đóng điện trước Tết Ất Mùi 2015. Từ đó đến nay, 100% hộ dân sinh sống trong Khu TĐC đều lắp đặt công tơ, sử dụng điện vào sinh hoạt, sản xuất hiệu quả.
Tiện và thuận lợi hơn cả đó là người dân đã có nước sạch sử dụng; hằng ngày được đi trên những con đường bê tông giao thông phẳng phiu; trẻ em được học tập ngay Khu TĐC đối với khối mẫu giáo và chỉ cách nơi ở chừng 1 cây số đối với khối Tiểu học, THCS. “Việc xây dựng điểm Trường mầm non tại Khu TĐC Đồng Sam đã giúp con em có điều kiện tới lớp trong điều kiện thuận lợi. Hầu hết, các trẻ theo học đều rất ngoan, hiền. Bản thân tôi cũng an tâm cho công tác dạy học ở đây” - cô giáo chủ nhiệm lớp mẫu giáo ở điểm Trường Mầm non Đồng Sam Bùi Thị Thật - nhận xét.
Theo ông Phan Thế Khoa, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, Khu TĐC Đồng Sam xây dựng hạ tầng vào năm 2010 trên quỹ đất rộng 4,3 ha nhằm bố trí TĐC cho 110 hộ dân. Mỗi hộ gia đình di dời tới nơi ở mới được chính quyền địa phương cấp từ 160-180m2 đất để xây dựng nhà và được Nhà nước hỗ trợ từ 10 - 20 triệu đồng. Sau 5 đợt xét duyệt, đến nay, đã có 100 hộ gia đình được cấp đất và xây dựng nhà ở. “Đến nay, tôi khẳng định cuộc sống của người dân nơi đây tốt hơn nơi ở cũ rất nhiều. Để tiếp tục hỗ trợ bà con hướng tới cuộc sống khấm khá hơn, địa phương chủ động nắm bắt các chương trình đào tạo, hỗ trợ giải quyết việc làm từ cấp trên để giới thiệu, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, trong đó, có chương trình xuất khẩu lao động và các chương trình tuyển dụng lao động ở các cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh”, ông Khoa nói.
***
Khu TĐC Đồng Sam không còn cảnh trống trọi như trước. Giờ đây, đã đông đúc dân cư và dần mọc lên các hoạt động dịch vụ quán bán tạp hóa, bán cà phê, giải khát. Cơ sở hạ tầng khu TĐC Đồng Sam được xây dựng khép kín (có điện, nước sạch, đường giao thông, trường mẫu giáo) cho thấy tín hiệu khởi sắc về cuộc sống của bà con nơi đây. Hiện nay, tỉnh đã và đang đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành tuyến QL19 mới; trong khi Khu TĐC Đồng Sam nằm gần tuyến giao thông huyết mạch này. Do vậy, trong tương lai gần, kinh tế của bà con ở Khu TĐC hứa hẹn phát triển mạnh hơn nữa; diện mạo ở vùng đất mới vì thế cũng sẽ đổi thay.