Biến đổi khí hậu gây biến động đường bờ biển Nam Bộ

18/12/2017 00:00

(TN&MT) - Biến động bờ biển của các tỉnh Nam Bộ thể hiện rất phức tạp bởi quá trình bồi tụ và sói lở. Tốc độ xói lở lớn nhất đạt tới 126,6 mét/năm trên bờ cấu tạo bằng bùn sét (phía bắc huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) và thấp nhất trên bờ cấu tạo bằng đá gắn kết (0,05 m/năm Mũi Nai, Kiên Giang). Tốc độ bồi tụ lớn nhất là 67,8 m/năm ở bờ biển huyện Ba Tri, Bến Tre và 66,0 mét/năm ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

Đó là kết quả đề tài “Nghiên cứu, đánh giá biến động đường bờ biển các tỉnh Nam Bộ dưới tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng”, do PGS TS Vũ Văn Phái (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) làm chủ nhiệm. Đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 – 2015.

Ảnh viễn thám chụp tại Rạch Gốc, xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau cho thấy, sau 15 năm, bờ biển khu vực này bị xói lở khoảng 1km
Ảnh viễn thám chụp tại Rạch Gốc, xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau cho thấy, sau 15 năm, bờ biển khu vực này bị xói lở khoảng 1km

Các nghiên cứu đã làm sáng tỏ hiện trạng biến động bờ biển, nguyên nhân cơ bản gây ra và xu thế biến động bờ biển trong mối quan hệ với mực nước biển dâng phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý môi trường đới bờ biển các tỉnh ven biển các tỉnh Nam Bộ (bao gồm 9 tỉnh và thành phố giáp biển là: Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và thành phố Hồ Chí Minh).

Các nhân tố tự nhiên gây biến động đường bờ bao gồm: cấu trúc địa chất - thạch học, địa hình, khí hậu, thuy văn, hải văn, thay đổi mực nước biển - biển tiến, biển thoái, sinh vật; hoạt động nhân sinh. Suốt giai đoạn 1965-2010, xét về mặt diện tích, bờ biển các tỉnh Nam Bộ vẫn được bồi nhưng tốc độ giảm chỉ còn khoảng 1/2 (6887,9 ha) so với 25 năm trước đó (1965-1990). Từ năm 2011 đến nay bờ biển vẫn bị xói lở mạnh, trong khi bồi tụ chỉ xảy ra trên khoảng 1/3 chiều dài đường bờ Nam Bộ (khoảng 300 km).

Nghiên cứu cũng dự đoán xu thế giật lùi của đường bờ biển đến năm 2020, 2030 và 2050 cho một số vùng trọng điểm gồm Bình Châu-Hồ Tràm, Cửa Lấp (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh), Duyên Hải (Trà Vinh), Gành Hào và lân cận (Bạc Liêu và Cà Mau), Phú Tân (Cà Mau) và An Minh (Kiên Giang).

Bên cạnh đó, tính được chỉ số mức độ dễ bị tổn thương bờ biển (CVI) dựa vào các tham số: địa mạo, tốc độ biến động đường bờ, độ nghiêng của bờ, thay đổi mực nước biển tương đối, độ cao sóng trung bình và độ cao trung bình của thủy triều. Từ đó, xác định 4 mức độ rủi ro của bờ biển đối với mực nước biển dâng: thấp (CVI < 7,5 với 247,5 km, chiếm 27,7%); trung bình (CVI = 7,6-12,0 với 145,6 km, chiếm 16,2%); cao (CVI = 12,1-15,5 với 286,1 km, chiếm 31,8%) và rất cao (CVI > 15,6 với 220 km, chiếm 24,5%). Kết quả này phù hợp với thực tế biến động bờ biển hiện nay do mực nước biển dâng.  

Từ kết quả nghiên cứu, PGS TS Vũ Văn Phái kiến nghị cần tiến hành nghiên cứu toàn diện hơn để đánh giá chính xác nguyên nhân và các nhân tố ảnh hưởng đến biến đổi đường bờ để đưa ra giải pháp quản lý xói lở bờ biển nói chung và từng đoạn nói riêng hợp lý, trong đó có giải pháp xây dựng đường giới hạn quy hoạch phát triển trên bờ biển.

Trung Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu gây biến động đường bờ biển Nam Bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO