Biến đổi khí hậu đe dọa các thành phố ASEAN

Mai Đan| 09/02/2021 18:00

(TN&MT) - Theo ước tính mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), dân số toàn cầu sẽ đạt 8,5 tỷ người vào năm 2030, với 2/3 số người này sẽ sống tại các thành phố và khoảng 90 triệu người sẽ chuyển đến các thành phố của các nước Đông Nam Á.

Biến đổi khí hậu đe dọa các thành phố ASEAN. Ảnh minh họa

Cụ thể, 45% dân số ASEAN, nơi hàng triệu người, đặc biệt là những người sống ở các khu vực dễ bị tổn thương như bờ sông, kênh rạch và sườn đồi sẽ phải hứng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của môi trường. Con số trên dự kiến sẽ tăng 50% tại các thành phố lớn của khu vực.

Mỗi khi thiên tai xảy ra, người nghèo luôn là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi họ phải đối mặt với nhiều mối nguy hại môi trường hơn và mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau khủng hoảng. Bất bình đẳng đang diễn ra tại các thành phố và rủi ro khí hậu càng làm gia tăng vấn đề này.

Tại khu vực ASEAN, theo ước tính, dân số đô thị của Indonesia chiếm hơn 50% tổng dân số đất nước và dự báo sẽ tăng lên 65% vào năm 2025. Thủ đô Jakarta của Indonesia đang bị sụt lún và nhấn chìm và dự kiến đến năm 2025, 95% thủ đô Jakarta sẽ chìm trong nước. Do đó, việc di dời từ Jakarta đến hòn đảo trung tâm Borneo được kỳ vọng sẽ trút bỏ gánh nặng cho thủ đô này và có thể làm chậm sự diệt vong trong tương lai.

Không chỉ thủ đô Jakarta của Indonesia đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, các thành phố khác của ASEAN như Bangkok (Thái Lan) và thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) cũng đang chịu nhiều thách thức của biến đổi khí hậu.

Khủng hoảng môi trường, các mối đe dọa từ con người, bao gồm xung đột, thất bại trong khâu quản lý và căng thẳng kinh tế đang gây tác động đến hàng trăm thành phố và cộng đồng. Đặc biệt, các thảm họa về khủng hoảng khí hậu có thể làm giảm sự tăng trưởng được xây dựng trong nhiều thập kỷ chỉ bằng 1 sự kiện thảm họa duy nhất. Để giải quyết khủng hoảng khí hậu, việc tăng cường khả năng chống chịu cho các thành phố là điều quan trọng. Tuy vậy, điều cấp thiết nhất vẫn là thay đổi cách thức xây dựng và quản lý các thành phố của khu vực ASEAN.

Thúc đẩy khả năng phục hồi đô thị

Xây dựng và tăng cường khả năng phục hồi đô thị có nghĩa là phát triển hệ thống của các thành phố nhằm giảm thiểu rủi ro do khủng hoảng khí hậu gây ra bằng các công cụ chuyên biệt như xây dựng các yếu tố xã hội cho phép dự đoán và phát triển các phản ứng thích ứng, duy trì khả năng tiếp cận đến các cơ sở hạ tầng đô thị. Để xây dựng cơ sở hạ tầng chắc chắn nhằm hỗ trợ khả năng phục hồi, cũng cần thúc đấy hệ thống kinh tế, xã hội và quản trị.

Hồi năm 2019, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã ban hành kế hoạch thúc đẩy cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, đồng thời hướng đến loại bỏ carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng các tiêu chuẩn và quy tắc đảm bảo các đô thị dễ bị tổn thương nhất có thể chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu.

Xây dựng các giải pháp thông minh chống biến đổi khí hậu

Bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (ESCAP) nhận định: “Mạng lưới thông minh cũng như các giải pháp năng lượng, hoặc các phương án, giải pháp quản lý giao thông thời gian thực và công nghệ thông minh sẽ cho phép các thành phố của chúng ta trong tương lai hoạt động hiệu quả hơn”.

Bà cho rằng, các thành phố thông minh, hệ thống năng lượng và giải pháp giao thông, những thay đổi trong công nghệ và sự tham gia của người dân đang đưa ra những giải pháp thay thế để bảo vệ thành phố và môi trường, bên cạnh đó giảm tác động của các yếu tố tiêu cực đến sự nóng lên toàn cầu. Chẳng hạn, Mạng lưới Đô thị thông minh ASEAN (ASCN) được xây dựng để tạo ra các giải pháp thông minh trên khắp khu vực ASEAN. Hiện có hơn 20 thành phố, trong đó có Kuala Lumpur và Johor Bahru ở Malaysia đang sử dụng công nghệ thông minh để phát triển tầm nhìn.

Có thể thấy rõ, biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên hoặc thời tiết khắc nghiệt sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến các thành phố. Nếu không đầu tư vào khả năng phục hồi cho các thành phố, sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến môi trường mà còn đến cả nền kinh tế, xã hội và chính trị của các quốc gia.

Theo Tổng hợp từ The ASEAN Post
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu đe dọa các thành phố ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO